Bộ kinh cổ độc nhất vô nhị và ảnh hưởng quan trọng tới văn hóa Phật giáo Việt Nam

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
30/08/2023 06:56 GMT+7

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bộ Gia Hưng tạng kinh được lưu giữ tại chùa Thập Tháp (ở P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định) hơn 300 năm là bộ kinh rất quý hiếm và có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của Phật giáo ở VN.

Chùa Thập Tháp do thiền sư Nguyên Thiều (1648 - 1728) kiến tạo, hoàn thành năm 1683, được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Hiện bộ Gia Hưng tạng kinh tại chùa Thập Tháp có 1.377 cuốn, chuyển tải nội dung của 479 bộ kinh, luật, luận, ngữ lục và sử truyện của Phật giáo.

BỘ KINH HƠN 300 TUỔI

Năm 2021, các nhà sư Thích Không Nhiên, Thích Pháp Hạnh và cư sĩ Lê Thọ Quốc đã đến chùa Thập Tháp để nghiên cứu bộ Gia Hưng tạng kinh được lưu giữ tại đây. Đến tháng 8 năm nay, TS Nguyễn Tô Lan, PGS-TS Trần Trọng Dương (cùng làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) cùng TS Lý Quý Dân (giáo sư tại Đại học Thành Công, giảng sư tại Phật Quang, Đài Loan) cũng đến chùa Thập Tháp nghiên cứu bộ kinh này.

Bộ kinh cổ độc nhất vô nhị và ảnh hưởng quan trọng tới văn hóa Phật giáo - Ảnh 1.

Bộ Gia Hưng tạng kinh được cất giữ tại chùa Thập Tháp (Bình Định)

TÔ LAN

Qua tìm hiểu các tư liệu, thư tịch cổ, các nhà sư Thích Không Nhiên, Thích Pháp Hạnh và cư sĩ Lê Thọ Quốc cho rằng Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích, 1718 - 1780) dâng cúng bộ Gia Hưng tạng kinh cho chùa Thập Tháp trong giai đoạn thiền sư Minh Giác Kỳ Phương (1682 - 1744) làm trụ trì.

Thời gian này có nhiều thương nhân người Hoa đến lập nghiệp, giao thương buôn bán tại vùng đất Bình Định và có mối quan hệ thân thiết với thiền sư Minh Giác Kỳ Phương. Có thể các thương nhân người Hoa là cầu nối để Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ dâng bộ Gia Hưng tạng kinh cho chùa Thập Tháp. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu này đưa ra nhận định bộ Gia Hưng tạng kinh đã có tại chùa Thập Tháp khoảng 300 năm.

Bộ kinh cổ độc nhất vô nhị và ảnh hưởng quan trọng tới văn hóa Phật giáo - Ảnh 2.

Một trang trong bộ Gia Hưng tạng kinh được cất giữ tại chùa Thập Tháp

TÔ LAN

TƯ LIỆU QUÝ GIÁ VỀ MẶT VĂN HÓA, LỊCH SỬ

Cuối thời nhà Minh, do tình hình kinh sách hiếm hoi, một nhóm cư sĩ và nhà sư bàn bạc tổ chức in Đại tạng kinh. Năm 1588, Đại tạng kinh bắt đầu được khắc bản mộc và in tại Ngũ Đài Sơn (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). 4 năm sau, do khí hậu ở Ngũ Đài Sơn quá khắc nghiệt, việc in Đại tạng kinh được chuyển về Kính Sơn ở phủ Hàng Châu (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Từ năm 1602, việc khắc bản mộc Đại tạng kinh bị phân tán nhiều nơi. Tuy nhiên, việc in và phát hành Đại tạng kinh được tổ chức tại chùa Lăng Nghiêm ở phủ Gia Hưng (tỉnh Chiết Giang). Do đó, bộ Đại tạng kinh này được gọi là Gia Hưng tạng kinh. Đến năm 1677 (thời vua Khang Hy của nhà Thanh), việc khắc mộc bản in Đại tạng kinh được hoàn thành.

Theo TS Nguyễn Tô Lan, trong 89 năm (1588 - 1677) đầu tiên, đa phần các bộ Gia Hưng tạng kinh đều giống nhau. Sau khi việc san khắc bản in Gia Hưng tạng kinh được thông báo đóng lại thì chùa Lăng Nghiêm vẫn tiếp tục nhận những văn bản khác để đưa vào bộ kinh này, gọi là nhập tạng. Nhờ đó, Gia Hưng tạng kinh có nhiều bản khác nhau nên việc mua bộ kinh này ở thời điểm khác nhau sẽ có những bản khác nhau, càng về sau càng có thêm phần ngữ lục nhiều hơn.

Bộ kinh tại chùa Thập Tháp rất có giá trị đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và Phật giáo Trung Quốc.

TS Nguyễn Tô Lan
Bộ kinh cổ độc nhất vô nhị và ảnh hưởng quan trọng tới văn hóa Phật giáo - Ảnh 4.

Các tiến sĩ Nguyễn Tô Lan, Lý Quý Dân (giữa), Trần Trọng Dương trao đổi với báo chí về bộ Gia Hưng kinh được lưu giữ tại chùa Thập Tháp

HOÀNG TRỌNG

Mạc Thiên Tích đặt mua bộ Gia Hưng tạng kinh tặng cho chùa Thập Tháp trong giai đoạn ông làm Tổng trấn Hà Tiên (1735 - 1780), sau thời điểm khắc mộc chính thức khoảng 60 - 70 năm. "Trong 60 - 70 năm này sẽ có rất nhiều văn bản ngữ lục ghi chép về cuộc đời, tư tưởng, lời nói, thơ văn… của các thiền sư nổi tiếng được đưa vào Gia Hưng tạng kinh. Vì vậy, bộ kinh tại chùa Thập Tháp rất có giá trị đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và Phật giáo Trung Quốc", TS Nguyễn Tô Lan nói.

Theo TS Lý Quý Dân, Gia Hưng tạng là một trong những bản Đại tạng kinh lớn nhất, đồ sộ nhất tại Trung Quốc từ trước đến nay và có sức ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo. Tuy nhiên, trên thế giới hiện còn rất ít bản Gia Hưng tạng kinh nguyên vẹn. Trong Gia Hưng tạng có phần ngữ lục ghi chép lại lời của các vị tổ sư. Đây là phần cực kỳ quý giá, được nhiều học giả quan tâm.

"Chúng tôi đã nghiên cứu về Gia Hưng tạng kinh trên toàn địa bàn Đông Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tất cả những nơi này đều có các bản khác nhau của Gia Hưng tạng kinh. Bây giờ, đem các bộ Gia Hưng tạng kinh ở các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng nghiên cứu một lúc và so sánh thì sẽ thấy Nhật Bản có thêm một vài quyển, Hàn Quốc cũng có thêm một vài quyển khác… Chúng tôi hy vọng bộ Gia Hưng tạng kinh ở chùa Thập Tháp cũng lưu giữ được những quyển mà ở các nước khác không hề còn", TS Lý Quý Dân nói.

Các tiến sĩ Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương, Lý Quý Dân cho rằng bộ Gia Hưng tạng kinh tại chùa Thập Tháp cần được số hóa. Việc nghiên cứu, sử dụng về sau nên dùng bản số hóa, còn bản gốc lưu giữ để bảo tồn. Vì đây là bản cổ kinh rất quan trọng và quý giá nên sẽ có nhiều học giả trên thế giới đến tìm hiểu, nghiên cứu và phật tử khắp nơi đến chiêm bái.

Theo TS Trần Trọng Dương, trong lịch sử có rất nhiều bộ Đại tạng kinh được truyền nhập vào VN. Thời Tiền Lê, năm 1006 cũng có bộ Đại tạng kinh nhập về Đại Việt. Sau đó, thời Lý, thời Trần… cũng thỉnh nhiều bộ Đại tạng kinh khác nhau về Đại Việt. Năm 1296, vua Trần Nhân Tông thỉnh về một bộ Đại tạng kinh, sau đó tiến hành phát khắc ra thành văn bản của người Việt, đến năm 1321 mới hoàn thành. Tuy nhiên, tất cả những bộ Đại tạng kinh này đã mất. Vì thế, bộ Gia Hưng tạng kinh tại chùa Thập Tháp là một tư liệu vô cùng quý giá về mặt văn hóa, lịch sử và Phật giáo, không chỉ của Bình Định mà còn tầm quốc gia và quốc tế.

"Gia Hưng tạng kinh có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, tín ngưỡng, văn hóa, tôn giáo, lịch sử của VN, ít nhất là từ thế kỷ 18 trở lại đây. Những gì chúng ta nhìn thấy ở Phật giáo ở VN cho đến thời điểm hiện tại, khả năng cao từ bộ kinh này mà ra. Vì sư tổ của chùa Thập Tháp ngày xưa đã dùng sách trong bộ Gia Hưng tạng kinh này đem vào triều đình Huế để giảng, truyền bá Phật giáo, để văn hóa Phật giáo được lan tỏa từ đời sống cung đình cho đến đời sống dân gian", TS Trần Trọng Dương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.