Bỏ lương trăm triệu, làm dự án giáo dục miễn phí

23/10/2016 09:10 GMT+7

"Tôi từng có công việc với mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng không hiểu sao đêm về lại không ngủ ngon, cứ như còn có điều gì đó mình chưa thực hiện được. Tôi tìm lại tâm nguyện của bản thân và quyết định làm dự án vì cộng đồng này”.

Trong một buổi giao lưu do Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức, Huỳnh Hạnh Phúc (30 tuổi, Giám đốc dự án Teach for VN) chia sẻ như trên.
Huỳnh Hạnh Phúc của những năm THPT mà chúng tôi biết là một chàng trai trẻ rụt rè, nhút nhát. Sau khi tốt nghiệp ĐH Quốc tế TP.HCM, Phúc săn được học bổng toàn phần cao học ở ĐH Missouri (Mỹ) và hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Sau đó Phúc tiếp tục nộp đơn xin học bổng ở ĐH Harvard, lấy thêm tấm bằng thạc sĩ chính sách công (MPP). Ngay từ thời điểm này, Phúc đã có ý tưởng về những dự án cộng đồng.
Anh cho biết: “Mình từng nghĩ sẽ về lập một quỹ đầu tư nhỏ ở VN theo trường phái mới, đầu tư tác động hoặc đầu tư xã hội, vừa mang lại bền vững về tài chính vừa tạo ra nhiều tác động tích cực về mặt xã hội, môi trường. Ước mơ đó chưa bao giờ tắt, và trong tương lai mình sẽ cố gắng để thực hiện nó. Nhưng trước mắt, điều làm mình trăn trở rất nhiều là nền giáo dục của VN. Mình trải qua 22 năm học ở VN, 4 năm học ở Mỹ, nhận thấy có rất nhiều điều hay mà mình có thể làm được, và thực sự muốn giúp sức cho Bộ GD-ĐT”.
Trở về VN sau 4 năm du học Mỹ, Phúc được mời làm quản lý tại Grab ở TP.HCM với mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng. Làm được một thời gian ngắn thì Phúc xin nghỉ với tâm nguyện phải làm điều gì đó có ích cho cộng đồng. Đầu tháng 10.2015, Phúc viết một bức thư cho Teach For All (mạng lưới doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận cung cấp cơ hội học tập với 40 tổ chức thành viên toàn cầu) với ý định triển khai Teach for VN.
“Bức thư định mệnh đó đã xáo trộn khá nhiều thứ trong cuộc đời mình đến bây giờ. Cả năm làm không lương và quyết tâm bỏ qua nhiều cơ hội nghề nghiệp lương cao nhưng chưa bao giờ mình sống vui và thanh thản đến vậy. Hằng tuần, mình phải làm nhiều bài tập về nền giáo dục VN, rồi nộp bài và trả bài đều đặn mỗi 2 tuần qua email và điện thoại”, Phúc chia sẻ.
Với chàng trai này, cuộc sống mơ ước là một cuộc sống mà mình cảm thấy không bị lệ thuộc vật chất. Khi ấy cái đầu mới thực sự nghĩ ra nhiều ý tưởng “điên” và sau đó rảnh rỗi để thực hiện nó. “Phúc đã nghĩ về một nền giáo dục hoàn thiện mà mọi trẻ em đều có cơ hội để tiếp cận. Thế giới này thay đổi quá nhanh, đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng, phẩm chất rất khác cách đây 10 năm. Nhưng nền giáo dục không thể bắt kịp được, không chỉ ở VN. Để đi xa và nhanh, giáo dục phổ thông cần có sự tham gia nhiều hơn từ khối phi lợi nhuận, từ các tổ chức dân sự, và từ nhiều tinh hoa nhất có thể từ mọi nguồn lực”, Phúc cho biết thêm.
Trẻ em nghèo ở những vùng còn khó khăn là một trong những đối tượng ưu tiên đầu tiên mà Teach for VN nhắm đến. Việc dạy tiếng Anh, các kỹ năng mềm cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa là điều mà Phúc và nhóm luôn trăn trở.
Khi nêu ý tưởng này với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Huỳnh Hạnh Phúc đã nhận được sự tán đồng, ủng hộ. Tây Ninh là địa phương sẽ mở cửa để chương trình có thể tiếp cận chính thức vào đầu tháng 2.2017.
Teach for VN nhận được khoản đóng góp tài chính của một vài người bạn thân của Phúc mỗi tháng. Cuối tháng 9 vừa rồi, dự án đã nhận được khoản tiền tài trợ 18.700 USD của Lãnh sự quán Mỹ tại VN.
Vẫn cần rất nhiều điều, nhiều sự ủng hộ hơn nữa để dự án được triển khai. Nhưng, tất cả những gì Phúc và các cộng sự đang theo đuổi đã tạo sự kết nối lớn từ cộng đồng vì những ý nghĩa thiết thực của dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.