'Bố mẹ ơi, đợi con về'

07/02/2016 09:38 GMT+7

Những ngày giáp Tết nguyên đán 2016 này đã là 6 năm phạm nhân Cà Văn Bóng (43 tuổi, quê ở tỉnh Sơn La) không còn biết bố mẹ của mình còn sống hay đã chết.

Những ngày giáp Tết nguyên đán 2016 này đã là 6 năm phạm nhân Cà Văn Bóng (43 tuổi, quê ở tỉnh Sơn La) không còn biết bố mẹ của mình còn sống hay đã chết. 

bo-me-oi-doi-con-ve-tieng-vong-tu-trai-giamPhạm nhân Cà Văn Bóng

Được quản giáo trại giam Suối Hai (H.Ba Vì, TP.Hà Nội) thuộc Bộ Công an tạo điều kiện, nam phạm nhân Cà Văn Bóng (43 tuổi, quê ở tỉnh Sơn La) được trải lòng, chia sẻ những ngày tháng cải tạo.

Gương mặt xanh xao, gầy gò và già hơn nhiều so với tuổi, Bóng lý giải do bị bệnh tim và một số bệnh khác khiến thân thể bạc nhược. Cũng vì bệnh tật nên Bóng được lãnh đạo trại Suối Hai cho phép không phải lao động như những phạm nhân đang cải tạo ở đây.

Bóng bị TAND H.Thuận Châu (tỉnh Sơn La) tuyên phạt 11 năm 11 tháng 14 ngày tù tổng cộng cho hai tội mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy. Bóng vốn có một gia đình với hai con gái xinh xắn nhưng vì nghiện ma túy từ năm 2002 nên hai lần liên tiếp vướng lao lý.

Hồ sơ cho thấy, khoảng cuối tháng 2.2009, Bóng bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Bóng bị TAND H.Thuận Châu tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù giam.

Do bị bệnh tật nên Bóng được hoãn thi hành án. Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau, anh ta bị bắt lại, lần này tái phạm nguy hiểm và với tội danh mua bán trái phép chất ma túy có khung hình phạt cao hơn. Lần thứ hai, Bóng nhận thêm 7 năm 6 tháng cho tội danh này và phải đi "trả án" ngay sau đó.

Về án phạt, Bóng bảo đó là do bản thân gây ra nên chấp nhận. Từ ngày vào trại giam Suối Hai cải tạo, Bóng khoe đã tăng được 10kg, bệnh tật cũng thuyên giảm do thường xuyên nhận thuốc thang do trại chu cấp.

Song Bóng luôn đau đáu về hai con gái. Nam phạm nhân này khi nhắc đến hai con nước mắt lăn dài trên má. Khi còn chưa phạm tội, do nghiện ngập nên Bóng bị vợ bỏ và lấy người đàn ông khác. Con gái lớn dù theo mẹ nhưng vẫn quan tâm đến bố. Còn cô con gái thứ hai ở với Bóng nhưng chủ yếu dựa vào ông bà, vốn nghèo khó và các bác ruột cũng không khá giả gì.

6 năm vào trại, chỉ duy nhất một lần anh trai của Bóng vào thăm. “Tôi cũng không đòi hỏi gì vì biết các anh chị cũng vất vả, việc vào thăm đã là cố gắng lắm rồi”, Bóng rớt nước mắt cho hay. Cũng từng đó thời gian anh ta không biết tình hình gia đình, con cái mình như thế nào. Bóng bảo nhiều đêm thức trắng mà khóc hết nước mắt. Trại cũng tạo điều kiện để Bóng được phép gọi về cho người thân, nhưng số điện thoại lần anh trai lên thăm gửi lại không thể liên lạc được.

“Một lần, có phạm nhân vào trại cùng ở xã với tôi nên tôi biết con gái đã lấy chồng. Mừng cho cháu…”, Bóng tiếp tục khóc trước mắt người đối diện. Anh ta ân hận không có mặt trong ngày vui của con gái. Ngay cả cháu ngoại chào đời Bóng cũng không biết mặt mũi đứa bé như thế nào. “Âu cũng là do tôi tự tạo cho mình nghịch cảnh đó”, Bóng chia sẻ.

Nhắc đến bố mẹ đẻ, Bóng bảo khi còn ở nhà, do là con út nên anh ta thường được họ cưng chiều hơn những anh chị khác. Thế nhưng do bập vào ma tuý, rồi vướng tù tội Bóng chưa báo hiếu được đấng sinh thành. 7 năm trong trại giam, Bóng không biết bố mẹ còn sống hay không. Điều này khiến anh ta ân hận và luôn tự trách bản thân mình. Trước khi Bóng vào tù, ông bà đã già yếu và nghèo khó nên không có điều kiện một lần lên trại thăm con.

“Mỗi lần Tết đến là thời điểm tôi nhớ nhà vô cùng. Không biết bố mẹ, các con ra sao nhưng tôi muốn nhắn bố mẹ ơi hãy đợi con về…”, chưa nói hết câu, nước mắt lăn dài trên gương mặt nứt nẻ của Bóng. May mắn dù không có người nhà thăm nom, nhưng những ngày Tết, Bóng được bạn tù chia sẻ từng gói bánh, chiếc kẹo nên cũng bớt tủi thân. Điều lớn lao hơn cả, Bóng và nhiều trường hợp khó khăn khác luôn được lãnh đạo trại giam quan tâm. “Tôi được các thầy cho 200.000 đồng và phần ăn uống nhiều hơn những phạm nhân khác”, Bóng lấy lại bình tĩnh khi nói đến tình cảm của bạn tù và của các quản giáo trại Suối Hai.

Gạt bỏ những tủi thân, Bóng bảo trước hết điều trị dứt bệnh tim, để khỏe mạnh hơn, để được lao động với các phạm nhân khác, và cũng để rút ngắn con đường về với cuộc sống tự do.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.