Bỏ ngay tư duy phong trào trong bảo đảm an toàn thực phẩm

21/10/2022 06:26 GMT+7

Bạn đọc ủng hộ bỏ tư duy hô khẩu hiệu, làm theo phong trào trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bởi đây là việc cần làm thường xuyên, đi vào thực chất để có thực phẩm sạch.

Chủ trì hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”, tổ chức ngày 18.10 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định phải bỏ tư duy hô khẩu hiệu như “tháng an toàn thực phẩm”, vì đây là việc cần được thực hiện thường xuyên và liên tục.

An toàn thực phẩm cần đảm bảo từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh mua bán

TRÍ MINH

Tham gia ý kiến, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia cho rằng an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa được quản lý tốt. Nhiều trường hợp, nhà sản xuất còn tâm lý và tư duy đối phó với các loại giấy tờ thủ tục mà chưa thật tâm đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn thích hàng giá rẻ, tiện lợi ở các chợ dân sinh, chợ tự phát và trôi nổi thay vì các kênh phân phối uy tín…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để nâng chất lượng an toàn thực phẩm, phải thay đổi tư duy từ sản xuất đến tiêu thụ và quản lý. Khi đi từ khâu sản xuất, phải tổ chức được mạng lưới liên kết và hợp tác cũng như kiểm soát lẫn nhau. Nhiều người, thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước cũng có tâm lý “xem cái đó có phải trách nhiệm được phân công hay không”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, chúng ta phải cùng nhau làm vì trách nhiệm đối với chính bản thân và con em chúng ta. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa và uy tín, danh dự của mình; không nên xem các chứng nhận an toàn thực phẩm là giấy thông hành để lọt qua cửa nọ cửa kia mà phải làm ra sản phẩm vì sức khỏe và tạo niềm tin cho xã hội.

An toàn thực phẩm cần thực chất

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm bỏ tư duy phong trào trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. BĐ Nguyễn Dũng nhìn nhận: “Lâu lắm mới có tư lệnh ngành dám nói thẳng, nói thật về những khẩu hiệu sáo rỗng. Gọi là tháng an toàn, thế còn 11 tháng không an toàn hay sao? Kỷ nguyên số, hãy lãnh đạo, chỉ đạo, làm việc theo tinh thần chuyển đổi số. Đừng hô khẩu hiệu rồi buông khi hết cao điểm”.

Cùng quan điểm, BĐ Dương Văn Tuấn chia sẻ: “Hoan nghênh ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. An toàn thực phẩm không chỉ trong tháng phát động mà phải hằng ngày, hằng tháng và luôn hành động vì sức khỏe của cộng đồng. Chúng ta cần những việc làm thiết thực, con người có trách nhiệm luôn vì sức khỏe của người dân, chứ không vì những băng rôn khẩu hiệu rực rỡ trong tháng an toàn, sau rồi đâu lại vào đó”.

“Theo tôi, nên tiến tới bỏ những khẩu hiệu kiểu này đi. Việc này nặng hình thức nên có khi không tác động mấy tới người dân. Có hay không có băng rôn tháng an toàn thực phẩm thì người dân chúng tôi vẫn tự phải biết mua thực phẩm nào an toàn cho gia đình mình”, BĐ vutuandat thẳng thắn.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm

“Cơ quan quản lý cứ kêu gọi tháng này là tháng an toàn thực phẩm, nhưng tháng trước đó, biết đâu có nơi sản xuất họ đã đưa ra thị trường thực phẩm bẩn. Đừng để cứ mỗi lần xảy ra ngộ độc thực phẩm thì cơ quan chức năng lại tổ chức rầm rộ đợt kiểm tra, xử phạt. Rồi tình hình im ắng cho tới khi lại xuất hiện vụ thức ăn mất vệ sinh hay thịt cá nhiễm chất cấm. Người dân cần thực phẩm sạch chứ không quan tâm về chuyện khẩu hiệu”, BĐ freshfish kiến nghị.

Theo BĐ sanoline123: “An toàn thực phẩm là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Cứ lấy mẫu xét nghiệm, phạt thật nặng, thậm chí phạt tù. Có như vậy thì từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản mới nghiêm túc. Phạt nặng, tự khắc họ sẽ làm đàng hoàng. Dĩ nhiên, khâu nuôi, trồng sẽ nghiêm túc theo, đó là chuyện đương nhiên”.

BĐ Trần Hoàng Vy cũng nêu ý kiến đồng tình: “Phải kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực này liên tục, để những kẻ có ý đồ sản xuất thực phẩm gian dối không còn thời gian, sức lực để thực hiện hành vi sai phạm. Tức là họ phải biết sợ pháp luật, chứ không phải đối phó với đoàn kiểm tra xong rồi lại làm bậy”.

* Nếu bỏ được khẩu hiệu thì quá tốt, chứ lâu lâu lại thấy khẩu hiệu, băng rôn đầy phố về an toàn thực phẩm, về người tiêu dùng thông minh... Tốn ngân sách mà chưa chắc đã có lợi gì.

Linh Dao

* Đồng ý với bộ trưởng, nếu không hành động ngay bây giờ thì chúng ta không có thế hệ con cháu khỏe mạnh để có thể xây dựng đất nước. Người Việt hay nói, phải để lại gì cho con cháu, thứ tốt nhất là sức khỏe và giá trị nhân văn.

Đại Xuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.