Người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch vẫn cần phải bảo lãnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cập nhật thêm về quy trình nhập cảnh với du khách quốc tế sau khi mở cửa du lịch ngày 15.3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
"Ngày 15.3 vừa qua, căn cứ đề nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã đồng ý khôi phục chính sách nhập cảnh với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch Covid-19", bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, cũng trong ngày 15.3, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản số 1265 về quy định nhập cảnh mới với du khách quốc tế tới Việt Nam. Theo đó, khách đến Việt Nam bằng đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường thuỷ cần có xét nghiệm âm tính khi xuất cảnh 72 giờ (nếu sử dụng phương pháp RT-PCR) hoặc trong vòng 24 giờ (nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh).
Trong trường hợp di chuyển kéo dài, người nhập cảnh cần xét nghiệm tại cửa khẩu khi nhập cảnh. Trường hợp này, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách sẽ được phép rời khỏi nơi cư trú và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, theo dõi sức khoẻ và sử dụng ứng dụng khai báo y tế PC-Covid trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo đúng quy định.
Về vấn đề thị thực du lịch, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ Y tế cũng đã ban hành quy định hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh, phù hợp với quy định tại điều 16.1 của luật Xuất nhập cảnh, người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch phải thông qua các cơ quan, tổ chức cá nhân mời bảo lãnh ở Việt Nam làm thủ tục xin duyệt nhân sự và hồ sơ của khách với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.
"Người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch có thể liên hệ với các công ty lữ hành quốc tế ở Việt Nam để các cơ quan này đứng ra làm thủ tục với Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, và sau đó có thể nhận thị thực tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hoặc cơ quan được uỷ quyền cấp thị thực", bà Hằng khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan được uỷ quyền cấp thị thực phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan ở trong nước giải quyết các yêu cầu về thị thực của khách vào Việt Nam du lịch, cũng như tìm hiểu thị trường kinh doanh và đầu tư.
Khôi phục chính sách miễn thị thực và thị thực điện tử
Cũng tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng thông tin thêm về chính sách thị thực và miễn thị thực mà Việt Nam hiện áp dụng đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Khách nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Nội Bài |
đậu tiến đạt |
Người phát ngôn cho biết Việt Nam đã nối lại việc áp dụng quy trình, thủ tục cấp các loại thị thực, giấy miễn thị thực theo luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm cả cấp thị thực điện tử.
Nối lại việc miễn thị thực cho người nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại (bao gồm các hiệp định, thoả thuận miễn thị thực với các nước Đông Nam Á); nối lại chính sách miễn thị thực đơn phương với công dân 13 nước ( Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus ) với thời hạn cư trú tối đa 15 ngày, áp dụng đến ngày 14.3.2025.
Người nhập cảnh cần chấp hành các hướng dẫn y tế của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.
Bình luận (0)