Các bộ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...
Là người đứng đầu Chính phủ, đồng thời cũng là Trưởng ban Chỉ đạo, không cuộc họp nào Thủ tướng không nhấn mạnh lại yêu cầu rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và rà soát, cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp (DN).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, các bộ, ngành trong công tác xây dựng hệ thống hành lang pháp lý chuyên ngành, nghiên cứu sửa đổi luật… cũng đã có sự thay đổi lớn, bổ sung nhiều nội dung thể hiện sự phân quyền, tạo tính tự chủ cho địa phương và DN.
Đơn cử, trong dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 do Bộ TN-MT xây dựng, được Chính phủ trình Quốc hội mới đây đã phân quyền cho địa phương cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát dùng để san lấp, làm vật liệu xây dựng nông thông thường, trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, cửa sông, cửa biển và biển). UBND cấp tỉnh được phân cấp tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo yêu cầu tối đa về mục đích sử dụng đất mỏ sau khi đóng cửa mỏ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân cấp cho địa phương trong việc khoanh định phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy hoạch khoáng sản; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản…
Đồng thời, dự thảo phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động khoáng sản; nâng cao năng lực quản lý cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn nhất là vai trò quan trọng của các Chi cục Môi trường tại địa phương. Song song, công tác cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục cấp phép cũng được quy định trong dự thảo luật.
Một lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết: Theo quy định cũ, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ rất phức tạp, gây khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án trọng điểm ngành giao thông rất lớn, đặc biệt là các dự án đường cao tốc. Nếu thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục từ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản sẽ phải mất nhiều thời gian, ít nhất là 6 - 9 tháng, thậm chí đến 2 năm, kéo theo các dự án giao thông cũng chậm tiến độ. Sau khi luật mới được Quốc hội ban hành và thực thi, quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép sẽ được đơn giản hóa, phân cấp giúp rút ngắn thời gian cấp phép, nhất là cho các dự án trọng điểm ngành giao thông.
Trước đó, luật Bảo vệ môi trường 2022 do Bộ TN-MT ban hành không chỉ xây dựng phương án phân cấp, phân quyền cho các dự án mới dựa trên 3 tiêu chí cơ bản là loại hình hoạt động; lĩnh vực hoạt động và khu vực hoạt động hoặc phạm vi tác động của dự án; mà còn bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho địa phương đối với cả những trường hợp đã được Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường trước đây nhưng đã được phân cấp, phân quyền theo Nghị định sửa đổi.
Ước tính luật mới giúp khoảng 70% thủ tục hành chính về môi trường của Bộ được cắt giảm, trong đó, 60% phân cấp, phân quyền cho địa phương, 10% thủ tục được cắt giảm nhằm điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai trong thực tiễn.
Các luật Lâm nghiệp, Nghị định sửa đổi Nghị định 26/2019 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, do Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng cũng đã bổ sung nhiều quy định cho phép UBND, HĐND cấp tỉnh được quyền phê duyệt các dự án mà trước đó phải xin ý kiến Bộ, thậm chí phải thông qua Thủ tướng phê duyệt.
Các địa phương phải dám làm, dám chịu trách nhiệm
Đặc biệt, luật Đất đai 2024 đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả. Trong đó, điểm nổi bật nhất là quy định "cởi trói" cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Trước đó, các địa phương khi muốn chuyển đổi đất nông nghiệp, nhất là đất lúa đều phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi một số địa phương như TP.HCM đất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả nên bỏ hoang nhiều. Ngược lại, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị đòi hỏi phải có quỹ đất rất lớn. Do vậy, việc cho phép các địa phương được quyết định trong việc cho chuyển đổi đất nông nghiệp sang các loại đất khác sẽ giúp nguồn lực đất đai được khai thác hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, việc phân cấp phân quyền tại Bộ Xây dựng qua 14 năm thực hiện dù luật Xây dựng 2014 với 2 lần sửa đổi đến nay vẫn nhiều bất cập. Điển hình 2 vấn đề về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và quy định cơ quan chuyên môn tổ chức, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án.
"Tất cả các dự án dân dụng bao gồm dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có công trình cấp đặc biệt và cấp 1 đều "được" cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu 4 lần trong quá trình thi công và nghiệm thu hoàn thành công trình. Trong khi công trình cấp 1 chiếm đa số tại các đô thị", ông Châu dẫn chứng.
Chính vì vậy, ông kiến nghị: Luật Xây dựng cần tăng cường phân cấp, giao quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng từ khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (nếu thuộc trường hợp phải thẩm định) đến cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành. Điều này giúp giảm bớt tình trạng tập trung nhiều quyền về các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng. Để Bộ tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành.
"Hiện nay Bộ Xây dựng chỉ có khoảng 300 biên chế, cơ quan chuyên môn cấp Cục cũng chỉ có khoảng vài chục biên chế trong khi hằng năm trung bình có khoảng 800 hồ sơ dự án phải trình lên để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tương tự, hằng năm Bộ Xây dựng phải vất vả tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi hoàn thành tại các địa phương trên cả nước. Quá tải như vậy khiến dự án bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến DN, đến phát triển kinh tế địa phương và cả nước. Do vậy, luật Xây dựng cần tăng cường phân cấp, giao quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương", ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Bình luận (0)