Bộ 'ôm' nhiều việc, dự án bị nghẽn: Cắt khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

Đình Sơn
Đình Sơn
27/08/2024 06:17 GMT+7

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước không chỉ giảm tải cho Bộ Xây dựng, tăng tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn các địa phương, mà còn giảm tải thời gian, áp lực chờ đợi và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế.

Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ chỉ còn 30 ngày làm việc ?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), nói rằng sở dĩ việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) thời gian qua chậm là do hồ sơ dự án thẩm định không đạt, không đủ điều kiện phê duyệt để triển khai thực hiện. Trong đó quy hoạch được duyệt là cơ sở lập dự án phải đồng bộ quy hoạch cấp trên (quy hoạch phân khu, quy hoạch chung) nhưng nhiều địa phương chưa phủ kín các quy hoạch này. Rất nhiều trường hợp sau khi việc thiếu quy hoạch hoặc thiếu đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch được chỉ ra ở thông báo kết quả thẩm định thì địa phương mới thực hiện lập hoặc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này. Quá trình này thường mất khoảng 6 tháng đến cả năm. 

Ngoài ra, còn có các vướng mắc liên quan đến thủ tục giao đất, xác định tiền sử dụng đất (SDĐ), chức năng SDĐ của khu đất lập dự án, giấy tờ chứng minh hợp pháp về đất đai khi lập dự án; thời gian chờ thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và góp ý PCCC dẫn đến thời gian lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bị kéo dài.

Bộ 'ôm' nhiều việc, dự án bị nghẽn: Cắt khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương- Ảnh 1.

Nhiều dự án thời gian qua chậm triển khai do “tắc” khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi

ẢNH: ĐÌNH SƠN

"Nhận thức được các vướng mắc trên, năm 2024 Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu và đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2021. Nghị định thay thế Nghị định 15/2021 sẽ tháo gỡ toàn bộ các khó khăn này. Khi nghị định thay thế có hiệu lực thì việc thẩm định báo cáo khả thi sẽ có kết quả sau 30 ngày làm việc. Nghị định mới Bộ đã trình Chính phủ, dự kiến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay sẽ được ban hành. Khi đó các dự án sẽ được tháo gỡ và ồ ạt triển khai", ông Tuấn khẳng định.

Cụ thể, hiện tại các cơ quan chuyên môn địa phương thẩm định dự án nhóm C có công trình cấp IV đến cấp I; các dự án nhóm B có công trình cấp IV đến cấp II. Cơ quan chuyên môn thuộc các bộ chuyên ngành thẩm định dự án nhóm A và dự án nhóm B có công trình cấp I. Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2021 đề xuất tiếp tục lộ trình phân cấp cho cơ quan địa phương thẩm định toàn bộ dự án nhóm C, B và A có công trình cấp IV đến cấp II. Cơ quan chuyên môn thuộc bộ chuyên ngành chỉ thẩm định dự án nhóm A có công trình cấp I gồm công trình nhà cao 25 - 50 tầng, tổng diện tích sàn trên 30.000 m2, có nhịp kết cấu lớn nhất 100 - 200 m; độ sâu tầng hầm lớn hơn 18 m; số tầng hầm từ 5 tầng trở lên. Cầu đường bộ có nhịp kết cấu từ trên 100 - 150 m; đập có chiều cao từ trên 70 - 100 m. Đồng thời, Bộ Xây dựng đang rà soát sửa đổi Thông tư 06/2021, tiếp tục chuyển một số công trình có yêu cầu không còn quá phức tạp từ cấp I về cấp II.

"Với các đề xuất phân cấp tại dự thảo nghị định đã cơ bản giải quyết được yêu cầu tại Nghị quyết số 105, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 410 và phù hợp với kết quả khảo sát, đánh giá năm 2024 về nguồn lực, năng lực thực hiện của các cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đồng thời đảm bảo đồng bộ được các thủ tục liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định báo cáo đánh giá ĐTM, thẩm duyệt về PCCC...", ông Tuấn nhấn mạnh.

Để địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng phải phân cấp mạnh mẽ hơn nữa thay vì Bộ vẫn ôm nhiều việc như vậy. Bởi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước không chỉ giảm tải cho Bộ Xây dựng, tăng tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn các địa phương, mà còn giảm tải thời gian, áp lực chờ đợi và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp (DN), mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế...

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế TN-MT TP.HCM, nhận định: Trong giai đoạn đổi mới phát triển theo cơ chế thị trường, Chính phủ đã và đang chủ động phân cấp, phân quyền cho địa phương, trong đó một số việc đã thấy rõ hiệu quả. Tuy nhiên nhiều bộ, ngành vẫn không chịu phân cấp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các dự án, thậm chí kìm hãm sự phát triển kinh tế của quốc gia. "Để giải quyết việc này, Chính phủ chỉ cần thống nhất cho phân cấp bằng chỉ thị là địa phương có thể tự quyết, tự chịu trách nhiệm, chứ không cần bộ, ngành tham gia theo quy trình nào cả, có vậy mới giải thoát được khâu trung gian xưa nay", TS Phạm Viết Thuận kiến nghị.

Trước lo ngại về vấn đề nguồn nhân lực ở các địa phương không thể đủ chuyên môn, kinh nghiệm để tham gia xử lý các việc trước nay thuộc thẩm quyền của bộ, TS Phạm Viết Thuận nói thẳng lo lắng này không chính xác bởi tất cả cán bộ làm công tác chuyên môn dù ở cấp bộ hay cấp sở ở các địa phương đều tốt nghiệp cùng trường, thậm chí cùng lớp với nhau. Tất cả cũng đều tốt nghiệp chuyên viên chính và cao cấp chính trị, nên về con người và năng lực về cơ bản là giống nhau, chỉ khác về địa lý là bộ, ngành ở Hà Nội mà thôi. Do vậy, buông bỏ để phân cấp cho địa phương phát triển là điều cần thiết và nên làm ngay.

Trực tiếp làm việc với nhiều DN thuộc nhiều lĩnh vực, TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, cho biết việc mòn mỏi chờ phê duyệt hồ sơ, chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án là điều khiến các DN bức xúc nhất. Trường hợp nhà máy lắp ráp ô tô của Mercedes-Benz TP.HCM nộp hồ sơ 5 năm không hoàn thành được thủ tục cấp lại giấy phép không phải cá biệt mà là thực tế diễn ra thường xuyên, tại nhiều dự án, thuộc nhiều lĩnh vực trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước. Từ cấp phép xác nhận DN đạt yêu cầu công nghiệp phụ trợ đến các dự án về khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, về GTVT…, DN đều phải "chạy" ra tới tận các bộ, ngành ngoài T.Ư để chờ cấp phép. 

Về nguyên tắc, cơ quan có trách nhiệm cấp phép không chỉ "gật đầu" đồng ý là xong mà sẽ phải theo sau giám sát toàn bộ quá trình của dự án và "ôm" luôn cả phần thẩm định, hậu kiểm. Nếu có điều chỉnh, thay đổi gì bộ cũng phải sâu sát để theo dõi. Với bộ máy nhân sự, biên chế tại các cơ quan chuyên môn cấp T.Ư hiện nay, để có thể đảm nhiệm hết khối lượng hồ sơ, công việc lớn như vậy là hoàn toàn bất khả thi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hầu hết các dự án cứ dính tới thủ tục pháp lý là lại rơi vào cảnh mòn mỏi chờ đợi.

TS Huỳnh Thanh Điền đánh giá việc phân chia nhiệm vụ như vậy cũng là bất hợp lý trong bộ máy quản lý nhà nước. Để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, Chính phủ thông qua các bộ chỉ cần ban hành tiêu chí và quy hoạch cụ thể, còn quyền cấp phép nên giao toàn bộ về cho địa phương, không cần phân biệt dự án quy mô lớn hay nhỏ. Nhà nước chỉ quản lý ở tầm chiến lược; còn việc cấp phép, thẩm định, giám sát, nghiệm thu dự án là những hoạt động vi mô, đã có sở chuyên môn ở các địa phương phụ trách. Ngay cả đối với các dự án quy mô lớn, phức tạp thì cũng chỉ cần có hành lang pháp lý chuẩn thì cán bộ địa phương vẫn có thể áp dụng để xử lý được.

"Cơ chế lành mạnh, rõ ràng như vậy thì bộ máy mới chạy đều, chạy nhanh được. Thực tế, TP.HCM hay một số địa phương muốn xin cơ chế đặc thù để phát triển thì nội dung quan trọng nhất vẫn là được chủ động phê duyệt cấp phép cho các dự án, được phân cấp phân quyền một cách triệt để", TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh. 

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành được ban hành cơ chế đặc thù, đặc biệt; nhưng khi đi vào thực thi thì thế nào cũng vướng luật chuyên ngành. Như vậy vô hình chung các luật, nghị định, thông tư hiện có sẽ vô hiệu hóa cơ chế đặc thù. Chỉ khi giải quyết được hết các xung đột trong công tác quản lý thì cơ chế đặc thù mới có thể phát huy tác dụng, các dự án mới có thể "chạy" nhanh để kinh tế địa phương có cơ hội phát triển.

TS Huỳnh Thanh Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.