Một ngày đầu tháng 2, ngoài trời mưa rả rích, tôi thấy chị ngồi ở sân sau đóng từng thùng mắm chuẩn bị giao đi. Tôi chợt nhớ hình ảnh của chị vài năm trước đây, xinh đẹp trong bộ váy công sở. Giờ đây không còn váy áo lộng lẫy, thay vào đó là mái tóc búi cao, đôi tay thoăn thoắt làm việc nhưng chị vẫn đẹp, theo một cách rất giản đơn.
Sau hơn 8 năm làm việc tại TP.Đà Nẵng, chị Lê Thị Ngọc Tầm (36 tuổi, ngụ thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) lựa chọn rời thành phố quay về quê nhà, bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Sau hơn nửa năm, chị dần đưa những chai nước mắm Ngọc Lan đậm tình quê đến nhiều căn bếp của người Việt Nam. Hiện tại, chị Ngọc Tầm là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ngọc Lan Quảng Nam.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Cuối năm 2021, chị Ngọc Tầm có một công việc ổn định, thu nhập tốt. Tuy nhiên hình ảnh ba mẹ đang chật vật với nghề truyền thống vẫn in đậm trong tâm trí của chị. Thương gia đình, chị tìm mọi cách hỗ trợ từ xa. Nhưng lúc đó chị vẫn chưa đủ can đảm để rời công việc lương cao về cùng một chiến tuyến, chung tay cùng ba mẹ nối tiếp nghề truyền thống của gia đình.
Trong một lần vô tình đọc cuốn sách "Ở lại thành phố hay về quê?" của tác giả Mèo Maverick, chị như hiểu rõ trái tim mình đang muốn gì. "Tôi muốn nỗ lực của bà được đền đáp, ước mơ của mẹ được thực hiện, và chai nước mắm làng nghề thơm ngon này được ở một tầm cao hơn", chị Ngọc Tầm chia sẻ. Chị quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình và cùng mẹ phát triển thương hiệu nước mắm Ngọc Lan.
Hơn 100 năm gìn giữ hương vị truyền thống
Những đứa trẻ lớn lên từ vùng biển Tam Thanh sớm đã quen với hình ảnh đôi bầu mắm trên vai của bà, của mẹ, đi từ đầu thôn đến cuối xóm đổi lấy khoai, gạo nuôi gia đình. Hầu như nhà ai cũng biết muối cá, trong nhà có vài ba chum mắm để trữ cho bữa cơm ngày thường. Tôi và chị cũng trưởng thành từ những chum mắm của nội.
Hồi còn đi học, đi làm xa nhà, chị em tôi hay được bà nội bỏ theo cho vài chai mắm. Nội nói: "Nội chẳng có tiền cho tụi con, chỉ có mấy chai mắm nhà làm, bỏ theo ăn cho khỏi nhớ nhà". Vậy là chúng tôi mang theo tình thương của nội và chai mắm quê đi khắp nơi.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa cùng sự ra đời của nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống khó cạnh tranh được, gần như không còn chỗ đứng, nhiều hộ đã bỏ nghề. Nhưng bà nội của chị Ngọc Tầm (cùng một số ít hộ khác tại thôn Hòa Trung) vẫn kiên trì dù gặp nhiều khó khăn.
Những năm sau này, xã Tam Thanh nổi lên với tên gọi "Làng bích họa", thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm thì người ta mới biết rằng nơi đây còn được gọi là "làng mắm". Lúc này làng mắm cũng chầm chậm trở mình. Nước mắm Ngọc Lan cũng dần trở nên quen thuộc với khách du lịch.
Nhưng chưa kịp đứng vững, làng mắm lại một lần nữa chao đảo khi gặp dịch Covid-19. Trong 2 năm khó khăn, chị Tầm dần chuyển hướng giới thiệu nước mắm Ngọc Lan trên các nền tảng mạng xã hội, tiếp cận đối tượng khách hàng mới. Đến nay, khi đã dấn thân sâu vào với nghề mắm, chị tìm mọi cách để đưa làng nghề truyền thống đi xa hơn.
Chị trải lòng về những khó khăn bước đầu quản lý HTX Ngọc Lan Quảng Nam: "Những sản phẩm bao bì đẹp, chất lượng tốt vẫn sẽ chỉ nằm yên trên kệ khi người tiêu dùng chưa tin và dùng. Làm thế nào để đưa sản phẩm tiếp cận được nhiều người, làm thế nào để giới thiệu những cái ưu việt của sản phẩm mình cho nhiều người là một vấn đề khó với người chưa có nhiều kiến thức về truyền thông và marketing như tôi". Nhưng thật khó để tìm được những người cộng sự trẻ cùng chung chí hướng, chấp nhận về làng quê nhỏ làm việc, lợi nhuận ít. Vì vậy chị Ngọc Tầm đánh liều, xây dựng dự án "Nâng tầm sản phẩm Làng nghề" - đưa thương hiệu nước mắm Tam Thanh đi xa hơn.
Nâng tầm sản phẩm làng nghề
Sự kiên trì, bền bỉ đã mang lại những thành quả ban đầu cho xưởng mắm của gia đình. Nước mắm Ngọc Lan trở thành cái tên quen thuộc hơn với nhiều người dân Quảng Nam. "Hiện nay, nước mắm cá cơm Ngọc Lan được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP - không sử dụng chất bảo quản và hương liệu đảm bảo giữ nguyên hương vị của mắm và an toàn cho người sử dụng", chị Tầm tự hào nói.
Từ trước đến nay, nước mắm Ngọc Lan vẫn được sản xuất theo phương pháp thủ công, truyền thống. Nguyên liệu chính là cá cơm than biển Ngang Tam Thanh và muối trắng, hạt vừa và sạch. Cá và muối trộn với nhau theo một tỉ lệ nhất định, mang đi ủ chượp trong vòng 10 - 12 tháng. Sau thời gian ủ sẽ cho ra thành phẩm là những giọt nước mắm vàng óng, sánh mịn, có mùi thơm nhẹ dịu đặc trưng.
"Chúng tôi chọn lựa những con cá cơm than tươi ngon từ vùng biển Ngang cho những mẻ mắm của mình để tạo ra những giọt mắm giàu dinh dưỡng, thơm ngon", chị Tầm giải thích.
Hiện tại chị vẫn giữ nguyên công thức sản xuất truyền thống xưa nay. Nhưng để dễ dàng tiếp cận với khách hàng, chị bắt đầu nghiên cứu, cải tiến bao bì sản phẩm. Với những đầu tư phát triển chất lượng, ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, nước mắm Ngọc Lan thu hút được nhiều khách hàng biết đến và có kênh phân phối ổn định hơn trước.
Không dừng lại ở việc cải tiến sản phẩm, chị còn kết hợp du lịch với các hoạt động trải nghiệm làm mắm thủ công, nhằm quảng bá quy trình sản xuất an toàn rộng rãi đến người tiêu dùng. Hoạt động này thu hút nhiều sự quan tâm của các trường học trên địa bàn TP.Tam Kỳ cũng như khách du lịch khi đến tham quan Làng bích họa.
Tháng 6.2022, chị Tầm tham gia chương trình "Phụ nữ hợp tác - kiến tạo tương lai" năm 2022 do Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) khởi xướng. Trong quá trình tham gia chương trình, chị học hỏi những người đi trước về vận hành sản xuất, truyền thông, tìm kiếm thị trường rồi từ đó thay đổi chiến lược phù hợp. Bằng những nỗ lực của mình, chị cùng Nước mắm Ngọc Lan đã vượt qua 10 dự án khác để đoạt giải Nhất trong chương trình.
Nhận được sự ủng hộ từ quê nhà, chị Ngọc Tầm càng thêm động lực "đem chuông đi đánh xứ người". Tháng 12.2022, chị mang dự án "Nâng tầm sản phẩm làng nghề" tham gia Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia. Dự án lọt top 10 dự án khởi nghiệp quốc gia xuất sắc.
Hiện tại, chị Lê Thị Ngọc Tầm tập trung xây dựng thương hiệu tại tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, định hướng đưa nước mắm Ngọc Lan trở thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Hơn hết, chị muốn lan tỏa tình yêu nghề truyền thống với các lớp trẻ, gìn giữ và phát triển làng mắm Tam Thanh.
"Trong cuộc đời mỗi người, chúng ta luôn đứng trước những lựa chọn. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn đồng hành cùng gia đình, đưa tâm huyết của nội và mẹ đi xa hơn, đưa thứ quà lành từ biển cả đến bếp ăn của mỗi gia đình Việt Nam", chị Ngọc Tầm chia sẻ.
Bình luận (0)