Bộ Quốc phòng Mỹ 'trì hoãn' chuyển tiếp cho ông Joe Biden?

19/12/2020 08:00 GMT+7

Trong một diễn biến bất ngờ, truyền thông Mỹ đưa tin Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller đã ra lệnh cơ quan này ngưng các cuộc họp chuyển giao cho ông Joe Biden - người được cho là tổng thống đắc cử của Mỹ.

Tối qua 18.12, trong một diễn biến bất ngờ, nhiều cơ quan truyền thông của Mỹ đã dẫn nguồn từ trang tin Axios của nước này cho hay Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller đã ra lệnh cơ quan này ngưng các hoạt động chuyển giao cho ông Joe Biden - người được cho là tổng thống đắc cử của Mỹ. Theo đó, chỉ đạo trên đã được truyền đến các bộ phận của Lầu Năm Góc vào tối 17.12 (theo giờ địa phương). Vì thế, các cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 18.12 (theo giờ địa phương) để thực hiện quá trình chuyển tiếp đã bị đình chỉ tạm thời.
Theo thông tin từ một số quan chức Lầu Năm Góc, việc tạm ngưng chỉ mang tính chất tạm thời, các cuộc họp chuyển giao chỉ bị tạm hủy sau khi “hai bên đạt được khoảng thời gian tạm dừng”. Các cuộc họp chuyển giao sẽ được nối lại sau khi “lên lịch” mới. Cụ thể hơn, các cuộc họp cho quá trình chuyển tiếp sẽ được nối lại sau kỳ nghỉ sắp tới.

Ông Joe Biden được cho là Tổng thống đắc cử của Mỹ trong cuộc bầu cử vừa qua.

Reuters

Trong khi đó, phát ngôn viên của nhóm chuyển tiếp cho ông Joe Biden đã lên tiếng bác bỏ thông tin hai bên đồng thuận tạm dừng quá trình chuyển giao. Theo trang Business Insider, phát ngôn viên này cho biết quá trình chuyển giao đã gặp phải những “phản kháng đơn lẻ” – những phản kháng “bị cô lập”.
Liên quan diễn biến này, trang tin Axios dẫn lời một số người từ Lầu Năm Góc cho rằng các nhân sự tại đây đang bị “quá tải” vì quá trình chuyển giao. Cụ thể, theo nguồn tin này thì hai bên dự kiến phải tiến hành không dưới 20 cuộc họp cho những ngày tới. Trong khi đó, bên cạnh áp lực từ các cuộc họp này, giới chức Lầu Năm Góc vẫn phải tiến hành các công việc thường nhật vốn cũng không kém phần nặng nề.
Liên quan quá trình chuyển tiếp, Quyền Bộ trưởng Millier gần đây cho biết tính từ ngày 23.11, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện 139 cuộc thảo luận với 265 người, đáp ứng 161 yêu cầu cung cấp thông tin và cung cấp 4.400 trang thông tin cùng 900 trang tài liệu mật phục vụ cho quá trình chuyển giao quyền lực sang ông Joe Biden.
Trong khi đó, dù đã được đại cử tri đoàn bỏ thắng, ứng viên Joe Biden vẫn chưa nhận được sự chiến thắng từ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump vẫn tuyên bố không bỏ cuộc và cho rằng kết quả bầu cử vừa qua đã bị gian lận. Cùng ngày 18.12, Newsmax TV dẫn nguồn từ Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đưa ra báo cáo dài 36 trang với cáo buộc có “6 điều bất thường” ở 6 bang chiến địa đã khiến cho Tổng thống Trump thất cử. Những điều bất thường được nêu ra gồm có gian lận cử tri, xử lý sai phiếu bầu, hành vi trái luật trong quá trình bầu cử, vi phạm điều khoản bảo vệ công bằng, bất thường về máy bầu cử và bất thường đáng kể về thống kê phiếu bầu.
Vào ngày 24.11, trong thư gửi cho cựu Phó tổng thống Joe Biden, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) Emily Murphy viết rằng bà đã quyết định cho ông tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ hậu bầu cử theo Đạo luật chuyển giao tổng thống năm 1963.
Đến ngày 4.12, tờ The Washington Post dẫn một số nguồn tin tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục có hành động cản trở tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc vẫn từ chối để đội ngũ của ông Biden tiếp xúc với các cơ quan tình báo, bao gồm Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Đáp trả lại, nhiều quan chức bộ quốc phòng đã đổ lỗi cho phía ông Biden về tình trạng trì hoãn quá trình chuyển giao tại Lầu Năm Góc, nếu có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.