Bộ Quốc phòng nghiên cứu 'đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học hoặc nghề'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/02/2023 14:03 GMT+7

Bộ Quốc phòng khẳng định có những bất cập trong thực hiện công bằng đối với nam thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ và đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi luật Nghĩa vụ quân sự.

Đảm bảo công bằng trong công tác tuyển quân

Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị sửa đổi luật Nghĩa vụ quân sự 2015 theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề để đảm bảo nghiêm minh, công bằng, Bộ Quốc phòng xác nhận quá trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm có những vướng mắc, bất cập trong đó có vấn đề mà cử tri Thái Bình phản ánh.

Bộ Quốc phòng nghiên cứu 'đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học hoặc nghề' - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng cho biết việc thực hiện nghĩa vụ quân sự hiện vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, trong đó có việc thực hiện công bằng đối với thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ

NGỌC DƯƠNG

Bộ Quốc phòng cho hay, theo quy định của luật Nghĩa vụ quân sự 2015, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ.

Hàng năm chỉ gọi nhập ngũ từ 3 - 3,2% trong tổng số thanh niên ở độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Do đó, Bộ Quốc phòng khẳng định tiếp thu kiến nghị của cử tri Thái Bình, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực nghĩa vụ quân sự bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, góp phần thực hiện công bằng trong công tác tuyển quân.

Nhiều bất cập liên quan trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Liên quan vấn đề này, báo cáo Bộ Tư pháp trình Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình năm 2023 cho hay, Bộ Quốc phòng đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Báo cáo rà soát của Bộ Quốc phòng dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025), thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025).

Với nội dung tạm hoãn gọi nhập ngũ, nghiên cứu rà soát của Bộ Quốc phòng cho biết, điểm g khoản 1 điều 41 luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định công dân đang được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng công dân lợi dụng để trốn tránh gọi nhập ngũ…

Ngoài ra, cũng theo báo cáo rà soát của Bộ Quốc phòng, việc đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập quy định tại khoản 2 điều 17 luật Nghĩa vụ quân sự 2015 cũng có nhiều bất cập.

Cụ thể là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, công tác đăng ký, quản lý nghĩa vụ quân sự chưa thành nền nếp, thực hiện đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự khi nhập học và đăng ký di chuyển sau khi tốt nghiệp về địa phương, đến nơi làm việc hoặc thôi học chưa chặt chẽ, qua đó, tạo kẽ hở để một số công dân trong độ tuổi nhập ngũ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo luật Nghĩa vụ quân sự 2015, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 đến hết 25. Với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27.

Tuyển quân 1 hay 2 lần mỗi năm?

Báo cáo nghiên cứu, rà soát của Bộ Quốc phòng cho biết, việc điều 33 luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định hàng năm tổ chức tuyển quân một đợt trong năm đã tạo thuận lợi cho địa phương giao quân, hạn chế đơn thư liên quan về tạm hoãn nghĩa vụ tại ngũ dịp công dân trúng tuyển đại học, cao đẳng nhập học (tháng 9 hàng năm).

Song việc tuyển quân một đợt dẫn đến một số đơn vị quân, binh chủng kỹ thuật thiếu hạ sĩ quan, binh sĩ là nhân viên chuyên môn kỹ thuật (trong khoảng thời gian huấn luyện chiến sĩ mới và thời gian đào tạo chuyên môn kỹ thuật) nhiều hơn so với tuyển quân hai đợt/năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng, nếu thực hiện tuyển quân hai đợt trong năm cũng không khắc phục được triệt để tình trạng trên và còn gây xáo trộn, tốn kém.

Đặc biệt sẽ phát sinh nhiều đơn thư liên quan đến tạm hoãn nghĩa vụ quân sự tại ngũ vào thời điểm tuyển quân đợt hai như trước khi có luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (tuyển quân 2 đợt/năm).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.