Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị không hoãn nghĩa vụ quân sự người đậu đại học

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/03/2024 12:04 GMT+7

Bộ Quốc phòng cho rằng việc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, chưa gọi nhập ngũ người trúng tuyển vào đại học, cao đẳng hiện nay là phù hợp.

Gửi kiến nghị tới Bộ Quốc phòng, cử tri tỉnh An Giang đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 theo hướng quy định công dân khi đã tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì phải thi hành nghĩa vụ quân sự, được bảo lưu việc học tập. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ thì tiếp tục tham gia chương trình học tập đã bảo lưu.

Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị không hoãn nghĩa vụ quân sự người đậu đại học- Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng cho rằng, quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh, sinh viên cao đẳng, đại học hiện nay là phù hợp

NGỌC DƯƠNG

Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng cho hay, luật Nghĩa vụ quân sự tạo điều kiện cho công dân được hoãn gọi nhập ngũ để tập trung học tập trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Cạnh đó, độ tuổi phục vụ tại ngũ của các công dân thuộc diện tạm hoãn kể trên cũng được kéo dài hơn để công dân có cơ hội được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, góp phần bảo đảm công bằng xã hội trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.

Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị không hoãn nghĩa vụ quân sự người đậu đại học

Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, quân đội đang xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Một trong những giải pháp đạt được mục tiêu này là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ. Do đó, việc tuyển chọn và gọi nhập ngũ có trình độ chuyên môn cao, nhất là công dân có trình độ đại học, cao đẳng là cần thiết và phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Từ đó, Bộ Quốc phòng cho rằng, để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới thì quy định của luật Nghĩa vụ quân sự hiện nay về hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chính quy là phù hợp.

Theo quy định hiện hành, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

Luật cũng quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh, sinh viên đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Công dân được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Sẽ trình sửa luật Nghĩa vụ quân sự

Cũng liên quan thực hiện nghĩa vụ quân sự, cử tri tỉnh Hưng Yên phản ánh, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng có hiện tượng né tránh bằng nhiều hình thức như: đi học các trường trong nước, du học nước ngoài, đi du lịch, xuất khẩu lao động… đến khi trở về địa phương thì hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây khó khăn trong việc gọi công dân nhập ngũ.

Cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ Quốc phòng có biện pháp và chế tài đủ mạnh xử lý các trường hợp này để đảm bảo thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự.

Trong khi đó, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc thì cho rằng, luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 còn chưa nghiêm khắc và không có tính răn đe cao nên rất nhiều thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ còn trốn tránh, lách luật mà chính quyền cơ sở không có biện pháp bắt buộc họ thực hiện.

Cử tri đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật có chế tài nghiêm khắc, chặt chẽ để buộc các công dân tự giác thực hiện.

Phản hồi cử tri, Bộ Quốc phòng thừa nhận, quá trình thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự từ 1.1.2016 tới nay bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Việc đăng ký, quản lý nghĩa vụ quân sự đối với công dân trong độ tuổi nhập ngũ, nhất là số sinh viên sau khi học xong cao đẳng, đại học; công dân đi khỏi nơi cư trú, làm việc, học tập, vắng mặt dài ngày tại địa phương; công dân đi học tập, lao động tại nước ngoài, thiếu chế tài quản lý và chưa được xử lý triệt để.

Điều này, theo Bộ Quốc phòng, dẫn đến sót lọt nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ, tạo kẽ hở để một số công dân lợi dụng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự gây dư luận không tốt trong xã hội.

Cạnh đó, chế tài quy định của luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 chưa bao quát đầy đủ về các hành vi vi phạm, do đó quá trình thực hiện tại các địa phương hiện nay còn khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bộ Quốc phòng cho biết, bộ đã tiến hành tổng thi hành kết luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026).

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tổng hợp nội dung liên quan và báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Nghĩa vụ quân sự trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.