Bộ quy tắc ứng xử cho công chức: Khó khả thi

26/12/2016 08:32 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Các quy tắc ứng xử dễ “chết yểu” đăng trên Thanh Niên ngày 25.12.

Bám sát luật đã ban hành
Quyền đối với cơ thể là quyền được quy định trong Hiến pháp, bộ luật Dân sự. Công dân đủ tuổi thành niên, đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đối với cơ thể của mình về hiến tặng tạng, hiến xác, phẫu thuật thẩm mỹ, xăm mình, cách ăn mặc, sử dụng loại nước hoa nào… Vì vậy, cấm cán bộ, công chức làm những điều đó là không đúng, mà chỉ nên khuyến khích cán bộ công chức không nên phạm vào những điều trên hoặc đừng làm quá “lố”. Đây cũng là cơ sở để chấm điểm ứng viên khi dự tuyển vào vị trí nào đó trong bộ máy cơ quan nhà nước sau này.
Lương Duy Thành
(Q.Thanh Khê, Đà Nẵng)
Điều chỉnh cho phù hợp
Theo nội dung bộ quy tắc ứng xử thì ai làm tốt sẽ được khen thưởng, ai vi phạm thì bị kỷ luật. Nếu khen thưởng thì không nói gì, còn kỷ luật thì liệu có trái với tinh thần, chồng chéo với luật Cán bộ, công chức và những quy định ở các luật khác? Thiết nghĩ, trước những ý kiến trái chiều, còn nhiều tranh cãi thì UBND TP.Hà Nội cần yêu cầu Sở VT-TT điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tế trước khi chính thức ban hành.
Đỗ Thị Hạnh
(Q.9, TP.HCM)
Xem xét, rà soát lại
Bất kỳ văn bản pháp lý nào ảnh hưởng đến cán bộ công chức hay người dân mà chồng chéo với các văn bản pháp luật khác thì phải xem xét lại. Thiết nghĩ, Sở Tư pháp Hà Nội, Bộ Tư pháp cần xem xét lại bộ quy tắc ứng xử này trước những ý kiến, phân tích rất xác đáng, thực tế trên báo chí cũng như dư luận. Đã có rất nhiều văn bản luật ban hành trái quy định pháp luật, thiếu thực tế phải hủy bỏ. Điều này ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân vào trình độ soạn thảo, ban hành văn bản luật. Do đó, tốt hơn hết là lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, sau đó chỉnh sửa cho đúng pháp luật, phù hợp với thực tế trước khi ban hành. Đừng để ban hành xong lại thu hồi, hủy bỏ hoặc phải chỉnh sửa.
Đỗ Tấn Dũng
(TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)
Chú trọng chất lượng công việc
Nếu ngoại hình đẹp, tác phong chuẩn mực nơi công sở mà chất lượng công việc không đạt thì cũng không để làm gì. Ngoài quy định này, cần có những quy định, quy tắc để nâng cao chất lượng của công việc mà cán bộ, công chức đang nắm giữ.
Bên cạnh đó, cần có những quy định nhằm hạn chế tình trạng bè phái, chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị…
Huỳnh Duy Minh 
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Không chỉ đẹp nơi công sở
Đã là công chức, cán bộ nhà nước thì đúng là phải đẹp, lịch sự, giản dị, gần gũi với dân nơi công sở. Nhưng vậy cũng chưa đủ, tôi đề nghị cần quy định công chức, cán bộ còn phải biết giữ gìn hình ảnh, tác phong của mình nơi công sở. Cán bộ, công chức cũng phải làm gương cho người khác nơi công cộng như xếp hàng nghiêm túc, có hành vi lịch sự, kính trên nhường dưới với mọi người.
Bùi Trung Hậu 
(TP.Tân An, Long An)
Cao Văn Nhân
Các cơ quan, tổ chức đều có nội quy để cán bộ, nhân viên tuân theo. Đó cũng là nét văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức. Và hiện nay, mỗi nơi đều có nội quy riêng, không đồng nhất. Do đó, bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho công chức nên là nền tảng chung. Vấn đề là có khả thi hay không, vì tôi thấy có nhiều điểm chưa phù hợp.
Cao Văn Nhân
 (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Võ Thị Phương Ánh
Theo tôi, những quy tắc trong bài báo đề cập không nên ở bắt buộc, mà chỉ nên khuyến khích. Mỗi người đều có sở thích riêng, cái “gu” của mỗi người tạo ra sự đa dạng, phong phú của xã hội. Chúng ta chỉ nên phê phán những điều gì quá lố. Quan niệm về cái đẹp của mỗi cá nhân là điều không thể gượng ép. Vì vậy, nếu ban hành thành ra bộ quy tắc thì e rằng hơi khiên cưỡng.
Võ Thị Phương Ánh
 (Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.