Ngày 23.5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội (QH) dự án luật Cư trú sửa đổi, trong đó một trong những chính sách quan trọng là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý dân cư. Thay vào đó, việc quản lý sẽ được thực hiện bằng mã số định danh cá nhân cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú chạy trên internet.
Bối rối chuyện học của con vì sổ hộ khẩu
Anh Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng kế toán một công ty về xăng dầu, hiện tại cư trú tại chung cư Lý Thường Kiệt (P.7, Q.11, TP.HCM) và có sổ hộ khẩu tại phường này. Tuy nhiên, anh đang khó khăn trong việc xin học cho con vào lớp 1 trong năm tới.
Lý do là anh Quang chuẩn bị bán căn hộ đang ở để chuyển về P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Tuy nhiên, thời điểm xin cho con học lớp 1 trường tiểu học công lập gần nhà mới đã gần kề. Thời gian này không đủ để anh chuyển hộ khẩu từ Q.11 sang Q.Thủ Đức. Nếu cho con đi học theo hộ khẩu cũ thì quá thiếu thực tế. Anh vẫn đang rất bối rối trước thực tế này.
Năm 2019, anh N., một nhà văn có tiếng ở tại Q.7, TP.HCM, cũng đành phải cho con học trường xa nhà vì theo quy định của Phòng Giáo dục, hộ khẩu của anh ở phường khác nên không được nhập học tại trường gần nhà. Anh từng đến trường trình bày lý do để được xem xét nhưng trường không thể giải vì quyết trái với quy định.
|
Những trường hợp như anh Quang, anh N. không phải hiếm trong thời gian vừa qua. Chưa kể, việc tuyển sinh theo hộ khẩu cũng đã bộc lộ những vấn đề gây khó khăn cho người dân. Xuất phát từ quy định mang tính nhân văn là để học sinh học gần nhà, nhưng lại nảy sinh chuyện "chạy" hộ khẩu để con vào học trường "điểm", trong khi nhiều học sinh nhà gần trường nhưng do không có hộ khẩu tại nơi đang ở thì không còn "suất" để vào học.
Cơ hội bỏ tuyển sinh bằng sổ hộ khẩu
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng đây là cơ hội để bỏ tuyển sinh bằng hộ khẩu. Chỉ cần dựa theo nhu cầu học tập của học sinh. Theo đó, học sinh có quyền lựa chọn trường mình muốn học, nếu không còn chỉ tiêu thì mới chuyển sang trường khác. Cũng từ sự lựa chọn này, những trường năng động, thật sự tốt sẽ thu hút được nhiều học sinh, dẫn đến tính cạnh tranh cao hơn. Không cần thiết phải giữ cách tuyển sinh theo tuyến bằng hộ khẩu, vốn đã bộc lộ một số bất cập.
Theo ông Phú, ở bậc THPT ít có bất cập trong chuyện này vì học sinh đã học THCS tại TP.HCM thì có thể vào học tại các trường công lập. Tuy nhiên, hiện nay cách tuyển sinh theo hộ khẩu ở bậc THPT vẫn có một bất cập là học sinh từ tỉnh chuyển trường lên TP.HCM ít nhất phải có hộ khẩu hoặc tạm trú KT3, hiệu trưởng phải ký xác nhận bảo lãnh. Mọi công dân được quyền học tập trên cả nước thì khi học sinh chuyển trường đến cần phải cho học, không nên yêu cầu điều này. Thậm chí, nếu bỏ hộ khẩu thì không cần phải thông qua Sở GD-ĐT. Chỉ cần hiệu trưởng 2 trường đồng ý cho chuyển đi và nhận học sinh.
|
Ông Phạm Minh, cố vấn Trường THCS và THPT Hồng Hà (TP.HCM), cho biết , ông hoàn toàn ủng hộ chuyện bỏ sổ hộ khẩu để giảm bớt đi những phiền toái mang đến cho người dân, cả trong việc học. Số lượng các nước đang còn áp dụng sổ hộ khẩu quản lý người dân chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và cũng không tiện lợi bằng việc quản lý bằng mã số định danh.
"Việc tuyển học sinh vào trường công lập theo tuyến bằng hộ khẩu đã quá lỗi thời sao chưa bỏ? Nhiều em học sinh nhà gần một trường nào đó nhưng vì không đúng tuyến phải đi học trường khác. Chỉ cần để các em xin học theo nguyện vọng, hết chỉ tiêu thì mới xin qua trường khác. Việc tuyển sinh theo tuyến cũng đã phát sinh nhiều tiêu cực trong thời gian vừa qua", ông Minh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc các trường công lập tuyển sinh theo tuyến dựa trên sổ hộ khẩu nhiều năm nay chủ yếu để áp dụng cho lớp 1. Việc này xuất phát từ mong muốn của ngành giáo dục là học sinh đi học tại các trường gần nơi cư trú theo hộ khẩu và để đảm bảo phân bố các em đến tuổi đều được đi học. Tuy nhiên, khi áp dụng thực tế cũng có phát sinh một số vấn đề. Vì vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu, rất có thể cách tuyển sinh theo tuyến như hiện nay cũng sẽ có thay đổi.
Bình luận (0)