Việc sưu tập xuất phát từ mong muốn giữ gìn những cổ vật Việt Nam thời Pháp bị đưa ra nước ngoài mà không có “hàng rào pháp lý” ngăn chặn và bảo vệ. Bộ sưu tập lấy họ của hai người để ghép thành tên: Dương - Hà. Hoạt động của hai ông bà đã góp phần cổ vũ việc tìm hiểu và sưu tập ở miền Nam vào giữa thế kỷ 20, cũng như tác động mạnh đến phong cách của các nhà sưu tầm và nghiên cứu thế hệ kế tiếp, nổi tiếng như Philippe Trương chẳng hạn.
|
Sau này con gái của hai ông bà là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và chồng là ông Huỳnh Văn Nghị được ông bà Dương - Hà giao toàn quyền quản lý bộ sưu tập. Đến khoảng năm 1995 - 1997, hai nhà nghiên cứu cổ vật người Anh là John Stevenson và John Guy được phép tiếp cận bộ sưu tập và giới thiệu trong cuốn sách nổi tiếng xuất bản tại Singapore cũng như ở Mỹ với tựa đề: Gốm Việt Nam - một truyền thống biệt lập (Vietnamese ceramics: A separate tradition), góp phần khẳng định trên lĩnh vực khoa học và thị trường toàn cầu một dòng gốm Việt Nam thanh lịch, mượt mà trong lịch sử đại gia đình gốm sứ thế giới - theo bà Trần Thị Thúy Phượng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tại buổi khai mạc trên.
|
Khi bác sĩ Dương Quỳnh Hoa mất được 5 năm, ông Huỳnh Văn Nghị đã làm giấy hiến tặng bộ sưu tập cho nhà nước theo văn bản ngày 23.2.2011, có đoạn: “Vợ tôi qua đời, tôi là người coi sóc và quản lý toàn bộ số cổ vật trên. Những năm qua, tôi luôn trân trọng giữ gìn và bảo tồn số cổ vật được giao. Đó cũng chính là tâm nguyện của ông bà nhạc tôi - người sáng lập - cùng vợ tôi là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Nay tôi đã 83 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu, việc bảo dưỡng và coi sóc số cổ vật nói trên lại cần có sự quan tâm đặc biệt. Vì vậy, tôi làm giấy hiến tặng này kính gửi Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề đạt ước nguyện được hiến tặng toàn bộ số cổ vật của vợ chồng chúng tôi cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM”.
Số cổ vật trên được Hội đồng thẩm định hiện vật gồm các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học và nghiên cứu chuyên ngành khảo cổ kết luận: “Tổng cộng 3.360 hiện vật, bộ phận, chi tiết, xâu chuỗi… thuộc các chất liệu: sắt, đồng, bạc, antimoin, đá sa thạch, đá bán quý, thủy tinh, giấy, gỗ, vải, ngà, xương, sừng và đồ gốm sứ đất nung… Trong đó có 2.976 hiện vật là cổ vật và di vật có niên đại cách nay 2.500 năm và đến đầu thế kỷ 20, có nguồn gốc từ Việt Nam, các nước châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia và các nước phương Tây như Đức, Pháp…”. Tuy vậy, công chúng yêu thích cổ vật và giới sưu tập trong nước vẫn chưa có dịp nhìn thấy và tìm hiểu về giá trị văn hóa của bộ sưu tập đồ sộ này. Vì thế, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử đưa ra trưng bày và giới thiệu hơn 500 hiện vật tiêu biểu của bộ sưu tập tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Trưng bày sẽ kéo dài qua Tết Quý Tỵ 2013.
Hồng Hạc
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng
>> Tặng 32 cổ vật văn hóa Đông Sơn
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Cơ duyên với 300 tượng Phật cổ
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Nhà sưu tập không... tiền
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng: Cuốn niên lịch cuối cùng của nhà Nguyễn
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Những nhà sưu tập gốm sứ đất Đà thành
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Người đam mê tiền cổ
>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng: Kiếm Tây Sơn và thuyền độc mộc
Bình luận (0)