Sưu tầm từ nhiều quốc gia
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Hồng Len ở ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, TP.Phú Quốc (Kiên Giang). Bước vào cổng, sau khi nhìn ngắm thỏa thích cây cảnh và hoa đủ loại hai bên lối đi, chị Len dẫn chúng tôi vào tham quan bộ sưu tập hoa cẩm cù.
Khu vườn hoa cẩm cù của chị Hồng Len được xếp thành 2 lớp. Lớp trên treo những giò hoa cỡ lớn, có cây đang trổ hoa, có cây đang lấp ló những ngồng hoa bên nách lá. Lớp dưới là những chậu hoa nhỏ xíu, chị Len cho biết đang nhân giống. Ngoài ra còn có khu vực riêng để chăm sóc những cây cẩm cù gieo hạt, vì cách chăm sóc loài này đặc biệt hơn nhiều so với những loại nhân giống bằng cành.
Khu vườn chỉ rộng chừng 200 m2 nhưng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới tham quan hết. Bởi, vừa đi, vừa ngắm, đến loại nào chị Len đều nêu xuất xứ, màu hoa và cả mùi thơm… Có những chùm hoa xòe ra như pháo hoa bắn lên không trung, chùm hoa tròn như quả bóng nhỏ, đa dạng về kích thước, màu sắc, hương thơm: hương chanh, hương hoa sữa, hương vani, hương tinh dầu bạc hà, mùi sữa chua...
Đang giới thiệu, chị Len bỗng dừng lại bên một đóa hoa cẩm cù nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Chị bảo chúng tôi ngửi, đúng là có 3 mùi chanh, gừng và đào pha trộn nhau. Đó là cẩm cù crassicaulis, xuất xứ Philippines.
Chị Len cho biết, khu vườn cẩm cù của chị có gần 500 loài, đa số mua từ Thái Lan, Philippines, Indonesia. Có thể kể như Hoya Mindorensis Red, Hoya Patella, Hoya Peninsularis, Hoya Megalaster… Ngoài ra, có khá nhiều cẩm cù Việt Nam như: hoya lockii (mang tên GS Lộc), hoya verticilata, hoya hanhiae, hoya globulosa, hoya kerrii (cẩm cù lá tim),hoya chinghungensis…
Khu vườn chia thành 2 phần: phần chỉ che lưới cản nắng, phần còn lại che mái để tránh mưa. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, chị Len cho biết: "Chăm cẩm cù cứ như chăm con vậy. Có những loại không ưa mưa xứ biển, mình phải tự tưới chứ không để trời tưới được".
Cẩm cù hoya honglenea được phát hiện ở Phú Quốc
Chị Len kể, khoảng năm 2019, một người bạn nhặt được vài cành cẩm cù ven đường do bị ủi làm đường rồi đem về tặng chị. Thấy lạ, chị đoán là một loại cẩm cù mới nên mừng rỡ đem trồng và chăm sóc thật kỹ. Hơn 1 tháng sau, cây ra nụ và hoa trên vòi hoa cũ.
"Cái cảm giác khi nhìn thấy một cây cẩm cù mới thật là hạnh phúc vô cùng, bù đắp nỗi đam mê điên cuồng khi đi bất cứ đâu có rừng, có cây, tôi đều để mắt tìm kiếm hoa cẩm cù", chị Len chia sẻ.
Khi cây có hoa, chị Len gửi hình tham khảo với bạn bè là dân đam mê cẩm cù thì biết được chắc chắn là loại cẩm cù mới, chị gửi cây cho nhóm nghiên cứu thực vật Việt Nam để làm hồ sơ đặt tên cho loại cẩm cù này. Sau thời gian chờ đợi 4 năm thì có tin vui: cây cẩm cù được công nhận là loài mới và đặt tên chị để vinh danh người tìm ra và chăm sóc chúng: hoya honglenae.
Đưa chúng tôi xem 2 chậu hoya honglenae, chị Len cho biết rất yêu quý nó. Chị thấy thật vui khi trên bản đồ thực vật thế giới có ghi thêm tên một loại cây từ Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng.
Cây cẩm cù là một chi thực vật thuộc phân họ thiên lý, có nguồn gốc từ một số vùng tại Châu Á, đặc biệt vùng Đông Nam Á và ở Úc. Cây có lá dày, bóng, thân leo và cũng có vài loại thân cứng mềm, lá mọc đối xứng, có nhựa trắng như sữa (vài loại nhựa trong suốt).
Tại Việt Nam, cẩm cù có đến 40 loài, trải dài từ Nam ra Bắc,từ những khu rừng khộp cao nguyên Đắk Lắk, duyên hải miền Trung đến các vùng núi phía Tây Bắc tiếp giáp Trung Quốc: hoya nummularoides, hoya verticillata, hoya kerrii, hoya diversifloria, hoya chinghungensis, hoya acumanita, hoya pandurata… Có vài loại cẩm cù đặc hữu chỉ phân bố ở Việt Nam như: hoya lockii, hoya hanhiae, hoya lamthanhiae, hoya honglenae...
Bình luận (0)