Đam mê giúp mở rộng kiến thức
Quê ở Trà Vinh, sinh sống gần biển nên từ nhỏ Đạt có niềm yêu thích đặc biệt với các loài sinh vật biển. Năm 2016, Đạt bắt đầu dành thời gian sưu tập vỏ ốc.

Trần Tiến Đạt (bìa phải) giới thiệu bộ sưu tập vỏ ốc với những người bạn có chung niềm đam mê
ẢNH: DUY TÂN
Đạt chia sẻ: "Mỗi vỏ ốc là một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên, với nhiều màu sắc đa dạng, chúng mang trong mình câu chuyện về sự sống và hệ sinh thái biển. Việc sưu tầm này giúp mình mở rộng kiến thức, hiểu sâu hơn về đa dạng sinh học và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển".

Đạt hiện sở hữu hơn 300 mẫu vỏ ốc biển thuộc hơn 100 loài khác nhau

Theo Đạt, mỗi vỏ ốc là một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên
ẢNH: DUY TÂN
Bộ sưu tập gồm nhiều loài ốc biển phổ biến ở Việt Nam, được những người có cùng sở thích và ngư dân nhiều tỉnh gửi tặng. Đồng thời, Đạt chủ động tìm kiếm bằng cách tham gia các hội nhóm chuyên về vỏ ốc trên mạng xã hội; thường xuyên trao đổi hoặc tìm mua những mẫu vỏ ốc từ các thành viên trong cộng đồng này.

Những mẫu vỏ ốc với kích thước, màu sắc đẹp mắt trong bộ sưu tập
ẢNH: DUY TÂN

Những vỏ ốc có hình thù và màu sắc độc đáo
ẢNH: DUY TÂN
"Để sở hữu được những vỏ ốc mà bản thân chưa có, mình trao đổi với các thành viên khác trong nhóm hoặc bán bớt những vỏ ốc đã có số lượng nhiều trong bộ sưu tập để có đủ tiền mua mẫu khác. Thậm chí nhờ việc mua bán, trao đổi vỏ ốc cũng giúp mình có thể trang trải sinh hoạt phí hằng ngày", Đạt cho biết.

Vỏ sò gai
ẢNH: DUY TÂN
Sau gần 9 năm miệt mài sưu tầm, đến nay, Đạt sở hữu hơn 500 mẫu vỏ của hơn 100 loài ốc biển, có con bé xíu như móng tay, con kích thước "khủng", như: ốc kim khôi đỏ, anh vũ, mặt trời, mỏ vịt, ốc giác, ốc giấy, ốc gai lược…

Vỏ ốc anh vũ
ẢNH: DUY TÂN
Mong muốn làm phong phú thêm bộ sưu tập
Các vỏ ốc trong bộ sưu tập có giá trị từ vài chục ngàn đến vài chục triệu đồng, tùy vào độ quý hiếm. Đặc biệt, vỏ ốc khe (tên khoa học Entemnotrochus rumphii) có đường kính đến 21 cm, một số người trả giá 2.500 USD nhưng Đạt chưa có ý định bán.

Vỏ ốc khe quý hiếm
ẢNH: DUY TÂN
"Vỏ ốc khe của chủ một ghe cào ở Trà Vinh cào dính. Khi đó, ốc đã chết, chỉ còn lại phần vỏ. Loại ốc này sống ở Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, nhưng không biết bằng cách nào mà trôi dạt về Việt Nam và mình may mắn được sở hữu nó", Đạt cho biết.

Những loại ốc kích thước nhỏ với nhiều màu sắc đẹp mắt
ẢNH: DUY TÂN

Vỏ ốc gai lược
ẢNH: DUY TÂN
Để bảo quản tốt vỏ ốc, Đạt ngâm trong dung dịch tẩy bớt rong rêu, sơn bóng. Nhờ đó, vỏ ốc giữ được độ ẩm, không bị khô, có thể bảo quản lâu dài.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Đạt hy vọng tìm thêm được nhiều loại ốc biển mới để làm phong phú thêm bộ sưu tập. Ngoài ra, chàng sinh viên này cũng mong muốn đưa bộ sưu tập giới thiệu đến các bạn trẻ về sự phong phú của các sinh vật ở biển.

Vỏ ốc giác vàng
ẢNH: DUY TÂN

Vỏ ốc kim khôi đỏ
ẢNH: DUY TÂN
Phạm Tường Vi, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Trước giờ, mình chỉ biết qua hình ảnh, clip tư liệu, nay mới tận mắt thấy bộ sưu tập vỏ ốc khủng như vậy. Mình nghĩ, dường như ai một lần đến với biển đều mong muốn có những vỏ ốc đẹp để làm kỷ niệm. Thế nhưng, việc dành thời gian để có được bộ sưu tập độc đáo với hàng trăm vỏ ốc khác nhau có lẽ không mấy người làm được như Đạt".
Bình luận (0)