HÀNH TRÌNH 15 NĂM SƯU TẦM
"Có thể nói, đây là bộ vỏ ốc biển lớn nhất từ trước đến nay mà Nhà trưng bày Hoàng Sa tiếp nhận và đưa ra trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Để có được bộ sưu tập với tổng số hiện vật khoảng 2.000 mẫu thuộc 1.000 loài ốc biển, chủ nhân phải là một người rất kiên trì và tha thiết yêu biển đảo Tổ quốc", TS Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, nhận định. Trước khi về với nhà trưng bày, bộ vỏ ốc này thuộc sở hữu của ông Phan Thanh Toại (49 tuổi, trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), huấn luyện viên Trung tâm Bơi lội TP.Đà Nẵng.
Ông Toại sinh ra và lớn lên ở làng biển Thanh Bình (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Từ nhỏ gắn bó với biển cả, ông bơi rất giỏi và sau này trở thành huấn luyện viên bơi lặn. Đặc thù nghề nghiệp cho ông cơ hội thường xuyên lui tới các vùng biển trên cả nước để rèn luyện, giảng dạy. "Năm 2005, tôi cùng đoàn vận động viên bơi lội Đà Nẵng tập huấn tại Trung Quốc và được tặng cuốn sách tựa đề Ốc Trung Quốc. Đọc sách, tôi nhận thấy có rất nhiều loại ốc vẫn đang hiện diện tại VN. Từ đó, tôi quyết tâm phải sưu tầm bằng được những loại ốc từ vùng biển nước mình", ông Toại kể.
Vào cuộc nghiên cứu ốc biển, ông đọc được cuốn sách Ốc biển Việt Nam (tác giả Nguyễn Ngọc Thạch), nhờ đó có thêm nhiều kiến thức về đặc tính, cấu tạo, cách nhận diện… loài sinh vật biển này. Năm 2005, bắt đầu hành trình tìm kiếm, sưu tầm ốc, dấu chân ông Toại đã đặt đến gần hết các vùng biển từ nam chí bắc. Đến năm 2020, thời điểm chuyển cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, bộ sưu tập của ông đã có hàng ngàn mẫu vật ốc biển. Trong đó, có những loài ốc quý hiếm là niềm mơ ước của nhiều nhà sưu tập, như 2 hóa thạch ốc anh vũ, ốc sứ cam, ốc xà cừ, nhiều loài ốc biển đột biến…
ĐỘC ĐÁO VỎ ỐC TỪ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
15 năm sưu tầm, ông Toại có thêm nhiều bạn bè là các nhà sưu tầm vỏ ốc biển, nhà nghiên cứu hải dương học… trên cả nước. Đặc biệt, với quyết tâm sưu tầm những loài ốc sống ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ông đã trở thành bạn của rất nhiều ngư dân miền Trung. Ông nói muốn sở hữu ốc ở 2 quần đảo nói trên thì chỉ có ngư dân quanh năm vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản mới có điều kiện để thu nhặt vỏ ốc rồi mang về cho ông. "Có rất nhiều loại vỏ ốc quý, có niên đại cao nhưng ngư dân không biết cách khai thác và bảo quản. Bởi vậy, bên cạnh việc đặt mua, tôi còn phải hướng dẫn ngư dân cách bảo quản để vỏ ốc nguyên vẹn nhất", ông Toại nói.
Niềm đam mê của ông Toại đã được đền đáp khi ngư dân bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về đất liền đã mang theo nhiều loại ốc biển vốn chỉ sinh sống ở 2 quần đảo này như ốc kim khôi, ốc anh vũ, ốc mực giấy, sò gai, ốc cối mũ vua, ốc tai tượng… Trong đó, ốc mực giấy (tên khoa học Aegonau argo linnaeus), được tìm thấy vào năm 1758, được cho là đặc biệt quý hiếm. Trên thế giới từng ghi nhận con lớn nhất có kích thước 223 mm, thì ông Toại đang sở hữu con có kích thước 280 mm. Ốc anh vũ thì được mệnh danh là "hóa thạch sống thời hiện đại"… Ngoài sưu tầm ốc biển, ông Toại còn sưu tầm được 80 hóa thạch cua đá Cù Lao Chàm được đánh giá là hết sức độc đáo.
Ốc biển có nhiều loài đặc hữu chỉ sinh sống ở những vùng biển cố định. Tại vùng biển Việt Nam, với điều kiện vùng biển, khí hậu, thời tiết cũng có những loài ốc phù hợp. Bởi vậy, ông Toại sưu tầm vỏ ốc tại các vùng biển Việt Nam cũng góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Cuối năm 2020, sau khi chuyển toàn bộ vỏ ốc biển cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông chỉ giữ lại một vài hóa thạch ốc để kỷ niệm hành trình 15 năm sưu tầm. Ngay sau khi tiếp nhận, nhà trưng bày đã đưa ra giới thiệu nhiều vỏ ốc quý hiếm, trong đó có nhiều ốc sinh sống ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhà trưng bày cũng thiết kế sa hình bản đồ Việt Nam bằng cách đính hàng trăm vỏ ốc thuộc nhiều loài, tạo nên hiện vật trưng bày độc đáo, thu hút người xem.
TS Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, nhận định người dân và du khách tới với nhà trưng bày không chỉ được xem nhiều tư liệu, hiện vật về lịch sử chủ quyền biển đảo mà còn biết thêm các loài sinh vật biển. Cùng với các tiêu bản động vật biển, bộ sưu tập vỏ ốc như lời khẳng định sự phong phú, đa dạng của hải sản trong vùng biển chủ quyền nước ta, nhất là tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, qua đó khơi dậy tình yêu biển đảo Tổ quốc. "Bộ sưu tập vỏ ốc "khủng" của ông Phan Thanh Toại chuyển cho nhà trưng bày là những hiện vật trực quan sinh động giúp cho người trẻ, đặc biệt là các em nhỏ khi đến tìm hiểu chủ quyền biển đảo tại nhà trưng bày sẽ thấy thú vị hơn…", ông Công nhấn mạnh.
Bình luận (0)