Bộ Tài chính nói về việc khối ngoại bán ròng hơn 50.000 tỉ đồng

02/07/2024 20:02 GMT+7

Nửa đầu năm nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng hơn 50.000 tỉ đồng. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định 'chuyện quỹ này, quỹ kia cơ cấu danh mục đầu tư là hết sức bình thường'.

Bệ đỡ quan trọng nhất là ổn định vĩ mô của nền kinh tế

Tại hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), Báo Lao động tổ chức chiều nay 2.7, tại Hà Nội, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ nhiều thông tin xung quanh hiện tượng khối ngoại liên tục bán ròng thời gian qua.

Ông Hải cho biết, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 16% vốn hóa thị trường chứng khoán trong nước, tương đương 46 - 49 tỉ USD. Dù đã có quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thị trường Việt Nam vẫn có độ mở lớn, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại cao so với khu vực.

Bộ Tài chính nói về việc khối ngoại bán ròng hơn 50.000 tỉ đồng- Ảnh 1.

Hội thảo diễn ra chiều nay

ĐT

Về việc khối ngoại liên tục bán ròng thời gian qua, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, đây không phải vấn đề riêng của thị trường trong nước, xu hướng này còn xảy ra với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…

Cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, theo ông Hải, trong số các nguyên nhân có việc đồng USD liên tục tăng giá, lãi suất USD ở mức cao, trong khi VNĐ hay một số đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ nhất định. "Theo đó, nhiều quỹ thay đổi danh mục đầu tư, lựa chọn những thị trường ít rủi ro, hiệu suất cao hơn", ông Hải nói.

Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin thêm, với đà hồi phục trong nửa đầu năm, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gia tăng. Giá trị bán ròng của khối ngoại đến nay thấp hơn giá trị tăng thêm của thị trường.

"Một số quỹ khi đầu tư vào thị trường mới nổi có giới hạn duy trì tỷ lệ phân bổ vốn nhất định. Khi giá trị thị trường tăng thêm, tỷ lệ này không còn đảm bảo, quỹ ngoại phải bán ra. Việc khối ngoại bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tạo ra dư luận tiêu cực", ông Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phân tích: "Bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động và khó khăn trong những năm vừa qua, kinh tế Việt Nam vẫn giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không có cơ sở nào khiến thị trường chứng khoán của Việt Nam lại có rủi ro cao.

Đây đó, có chuyện quỹ này, quỹ kia của nước ngoài thay đổi "khẩu vị" do cách quản trị của họ. Họ có điều chỉnh trong cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện hết sức bình thường".

"Cần hết sức lưu tâm về minh bạch thông tin"

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cho biết hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.

Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (tháng 12.2020), việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam; thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỉ USD vào Việt Nam một năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới.

Bộ Tài chính nói về việc khối ngoại bán ròng hơn 50.000 tỉ đồng- Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi

ĐÀO NGỌC THẠCH

PGS-TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng), đánh giá 2 năm trở lại đây đã có nhiều cam kết mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý để tháo gỡ nút thắt, giúp nâng hạng thị trường chứng khoán.

Khi xếp những tiêu chí nâng hạng thị trường, các tiêu chí về giá trị vốn hóa, vấn đề thanh khoản đã đáp ứng được, nhưng còn nhiều hạn chế cần cải thiện. Một trong những giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán chính là minh bạch thông tin.

"Việc nâng cao tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trong nước không chỉ chờ đến nâng hạng thị trường mà đây là vấn đề then chốt. Minh bạch thông tin nhằm giảm thiểu bất cân xứng thông tin - một trong những tiêu chí đánh giá trình độ, mức độ phát triển của thị trường", ông Dũng nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Trần Việt Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: "Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, minh bạch thông tin cần hết sức lưu tâm; cần công bố thông tin đúng, đủ, kịp thời, chính xác.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải ý thức rằng đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi. Muốn đi dài, đi xa, chơi lớn thì chúng ta phải minh bạch.

Cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu đối với doanh nghiệp về công bố thông tin. Chúng ta cùng nhau giám sát, phải làm kiên quyết, không ngừng nghỉ vì thị trường không bao giờ nghỉ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.