Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Kạn, Đồng Nai, Lạng Sơn, Nghệ An về việc xem xét sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, mức sống hiện nay và phù hợp với chủ trương tăng lương của Nhà nước kể từ ngày 1.7.
Bộ Tài chính nêu rõ, theo quy định của luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định...; số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 - 1 lần), đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
CPI tăng dưới 20% nên chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Về lý do chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính phân tích khá rõ khía cạnh từ năm 2020 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng biến động chưa tới 20%.
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 1 luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 quy định: "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của luật Thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhìn nhận mức giảm trừ gia cảnh hiện đã quá lạc hậu, xa rời thực tiễn cuộc sống.
Giải thích của Bộ Tài chính đưa ra liên quan khía cạnh CPI từ năm 2020 đến nay tăng chưa đến 20% nên chưa thể đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không sai quy định, "nhưng khiến người nộp thuế rất chạnh lòng".
"Thu nhập của đa phần người lao động tập trung chi tiêu cho ăn ở, học hành, đi lại, khám chữa bệnh... Trong khi đó, giá vé tàu xe, máy bay, học phí, viện phí… tăng đáng kể trong 4 năm qua. Như vậy, CPI không phản ánh đúng thực tế mức tăng giá của những hàng hàng hóa mà người làm công ăn lương chi trả", ông Tú nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng, thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần nhìn nhận, có điều chỉnh phù hợp. Trước mắt, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh để người làm công ăn lương đang nộp thuế TNCN đỡ thiệt thòi.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại.
Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể luật Thuế TNCN (trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần...) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế (dự kiến, đăng ký chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.2025 và thông qua vào tháng 5.2026).
Luật Thuế TNCN (áp dụng từ 1.1.2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1.7.2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Đồng thời bổ sung quy định: trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Ngày 2.6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020).
Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)