Bỏ thi giáo viên dạy giỏi sẽ thật sự giảm áp lực ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
07/04/2019 08:11 GMT+7

Việc xét giáo viên giỏi , chủ nhiệm giỏi thay vì tổ chức thi như hiện nay nhận được nhiều ý kiến trái chiều...

Sáng 6.4, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm bàn về việc chuyển từ thi sang xét công nhận giáo viên (GV) giỏi, chủ nhiệm giỏi.

Chuyển thi sang xét vẫn nhiều áp lực

Cô Phạm Thị Vân Anh, Trường THCS Nam Trung Yên, cho rằng Bộ GD-ĐT mong muốn giảm áp lực cho GV bằng cách bỏ kỳ thi nhưng nếu xét GV giỏi mà đòi hỏi quá nhiều minh chứng, hồ sơ sổ sách thì sẽ dễ chuyển từ áp lực này sang áp lực khác. Do vậy, việc thay đổi phải thật sự đồng bộ, ưu tiên dành thời gian để GV có thời gian nghiên cứu tài liệu, tự học hỏi, nâng cao trình độ, tìm tòi các phương pháp dạy học phù hợp với từng bài, từng đối tượng HS.
Cô Lê Phương Hằng, một GV mầm non ở Hà Nội, rất đồng tình với việc xét công nhận GV giỏi, nhất là đặc thù của bậc học mầm non đòi hỏi phải trải qua một quá trình vừa nuôi dưỡng vừa giáo dục thì mới nhìn thấy hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, cho rằng không nên bàn việc bỏ thi chuyển sang xét để công nhận GV giỏi nhằm mục tiêu giảm hay tăng áp lực cho GV. Bởi thay đổi là để hướng tới mục tiêu chính là đánh giá thực chất, tạo động lực cho GV. Khi xét, các trường phải chịu trách nhiệm về cách đánh giá của mình, GV được công nhận một cách xứng đáng chứ không phải chỉ đánh giá qua một vài giờ dạy, hay qua sáng kiến kinh nghiệm như trước đây.

Giáo viên có mất động lực phấn đấu ?

Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình), cũng đồng tình với việc nên thay đổi cách đánh giá GV giỏi khi cho rằng có nhiều mâu thuẫn trong việc công nhận GV giỏi hiện nay. “Với những cách đánh giá như hiện nay, GV đi thi GV dạy giỏi bị áp lực rất lớn khi phải “gánh” danh hiệu thi đua cho cả trường hoặc cho cả huyện”, ông Đầm nói.
Ông Nguyễn Xuân Thảo, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), cũng tán đồng việc chuyển từ thi GV dạy giỏi sang xét. “Hiện nay, thi GV giỏi chủ yếu đánh giá qua 1 - 2 tiết dạy nên không tránh khỏi tình trạng tập trung luyện “gà nòi” và trình diễn. Còn khi xét thì sẽ tích hợp được cả đánh giá định kỳ và đánh giá quá trình, phù hợp với xu hướng đổi mới đánh giá hiện nay đã áp dụng với HS tiểu học”, ông Thảo phân tích.
Tuy nhiên, một số ý kiến tại buổi tọa đàm bày tỏ sự nuối tiếc nếu bỏ hẳn cuộc thi GV dạy giỏi vì lo ngại GV sẽ mất động lực để phấn đấu, mất cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Kết luận tọa đàm, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nhấn mạnh: “Việc chuyển sang xét công nhận GV giỏi chắc chắn sẽ không gây thêm áp lực không cần thiết, việc đánh giá trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng sẽ không thể giản đơn đến mức xuề xòa”.

Phụ huynh, học sinh có quyền đánh giá GV ?

Theo phác thảo ban đầu của Bộ GD-ĐT về xét GV giỏi, chủ nhiệm giỏi thì một trong những đối tượng được tham gia đánh giá, nhận xét GV gồm cả học sinh và phụ huynh.
Ông Nguyễn Văn Đầm cũng nêu quan điểm cần để phụ huynh, HS đánh giá GV nhưng không nên thông qua kênh đánh giá, nhận xét của phụ huynh, HS vì dạy học là một nghề đặc thù, không thể để phụ huynh, HS với rất nhiều đối tượng, trình độ, nghề nghiệp khác nhau đánh giá. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thu Anh lại cho rằng việc đánh giá của phụ huynh, HS là rất cần thiết mặc dù những đánh giá này chỉ là mang tính cảm tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.