Bộ thờ ơ, doanh nghiệp gặp khổ

13/07/2019 06:15 GMT+7

Hôm qua 12.7, Bộ Tài chính họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp lại nghe ngóng chờ đợi những vướng mắc liên quan đến Nghị định 20 về khống chế chi phí lãi vay sẽ được giải quyết dứt điểm.

Bởi tính đến thời điểm hiện tại, những quy định bất hợp lý của nghị định (NĐ) này đã tồn tại hơn 2 năm, gây ra rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho doanh nghiệp (DN). Chỉ vì NĐ này, có DN thuế tăng hàng trăm tỉ đồng; có DN lãi giả lỗ thật; nhiều DN không dám mở rộng đầu tư; các nguồn vốn vay ngoài giao dịch liên kết bị đánh đồng để áp trần chi phí lãi vay khiến DN khốn khổ.
Một lý do nữa khiến các DN kỳ vọng vào cuộc họp này là vì chỉ trước đó vài ngày trong cuộc họp liên quan đến cổ phần hóa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình "Bộ Tài chính làm cái gì cũng chậm". Phó thủ tướng cũng dẫn chứng cụ thể việc cơ quan này được giao xem xét tác động của NĐ 20 về hoạt động liên doanh liên kết mà DN kêu khó mấy năm nay song hiện vẫn chưa hoàn tất.
Thực tế hơn 2 năm qua, rất nhiều đơn từ, kiến nghị, đề xuất của DN, hiệp hội liên tục được gửi đến cơ quan có thẩm quyền nêu rõ những khó khăn, nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản vì sự bất hợp lý của NĐ 20; về nghịch lý siết DN ngoại chuyển giá nhưng DN nội bị vạ lây... Cùng với đó là những phân tích từ các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước nêu rõ quy định này trái với luật Thuế thu nhập DN ra sao, có thể bỏ ngay bằng một NĐ thay thế mà không cần chờ đợi... Thế nhưng cũng phải đến cuối năm 2018, nghĩa là 1,5 năm sau, Bộ Tài chính mới bổ sung nội dung liên quan vào luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, từ đó đến nay bộ này vẫn chưa có động thái gì mới dù như nói trên, Chính phủ cũng đốc thúc và các DN vẫn mỏi mòn chờ đợi.
Không ai hiểu vì sao sửa đổi một quy định bất hợp lý lại khó khăn, chậm trễ đến như vậy, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN. Không ai hiểu vì sao, những lời kêu cứu của hàng ngàn DN liên quan đến quy định khống chế chi phí lãi vay lại như rơi vào hư không; hàng loạt DN điện lực, than, khoáng sản, xây dựng, bất động sản, tiêu dùng... khốn khổ, cầm cự vì số thuế phát sinh nhưng không biết đến bao giờ mới được giải quyết.
Cách giải quyết của Bộ Tài chính cho thấy sự thờ ơ, nếu không muốn nói là vô cảm của cơ quan có thẩm quyền trước khó khăn, vướng mắc của DN. Đáp lại những sự việc cụ thể được DN kiến nghị, là những câu trả lời chung chung; đáp lại sự sốt ruột của DN, thậm chí là sự hối thúc của Chính phủ, là sự chậm trễ... Điều này đang tạo ra sự bất an, rủi ro trong môi trường kinh doanh nói chung. Quy định đưa ra thì dễ, rút lại - ngay cả trong trường hợp bất hợp lý - vô cùng khó khăn.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định sẽ "truy đến cùng" những chậm trễ của Bộ Tài chính. Cộng đồng DN chỉ còn biết chờ vào sự quyết liệt của Chính phủ để tháo nút thắt bất hợp lý do Bộ Tài chính buộc mà không muốn cởi này mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.