Bỏ tiền đi du lịch, lúc trả phòng thì ngập ngụa rác

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/07/2019 19:46 GMT+7

Bà Phan Thị Phương, cựu nhân viên buồng phòng tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, thở dài khi bắt đầu công việc dọn dẹp phòng của du khách. Rác ngập ngụa, thức ăn vung vãi...

“Một số phòng lúc trả vẫn gọn gàng, không quá bẩn để phải dọn dẹp lâu. Nhưng cũng có những phòng rất bừa bãi, thậm chí họ kéo cả chăn ga xuống đất rồi giẫm bẩn, nhìn căn phòng nhếch nhác như chuồng heo. Các ly đựng mì tôm vất tung tóe khắp nơi. Thi thoảng tôi nhận được tiền boa (tiền tip) của khách nước ngoài để ở dưới gối, còn khách Việt Nam thì rất hiếm”, bà Phương kể lại những dấu ấn trong thời gian làm phục vụ ngành du lịch của mình.
Giữ tâm lý mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng, nhiều người trẻ đã mang ý thức xấu của mình đi tới những nơi công cộng. Mới đây, hình ảnh một phòng khách sạn như một bãi rác, hay một nhóm người trẻ vào rạp chiếu phim vất đầy bỏng ngô xuống sàn, khi bị nhắc thì nói “có nhân viên dọn” được chia sẻ trên mạng xã hội.

Đi du lịch và để lại rất nhiều thứ

Chị Nguyễn Diệp Anh, cho thuê homestay trên đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM cho biết mọi người hô hào, đi du lịch không để lại gì ngoài những dấu chân, nhưng nhiều lần gặp phải các nhóm khách để lại rất nhiều rác. Rác từ trên giường tới toilet. “Họ nghĩ là họ bỏ tiền, muốn làm gì thì làm, mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng vậy. Khách hàng là thượng đế, nên mình không biết làm sao”, chị Diệp Anh nói.
Anh N.M.H, chủ một homestay trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết mới đây gặp một nhóm 5 du khách người Anh rất vô ý thức, độ tuổi từ 18 tới 22. “Trước khi thuê, tôi đã nói trước các nguyên tắc là không được hút thuốc trong phòng, giữ gìn trật tự, an ninh, tuy nhiên sau 2 ngày họ trả phòng vào tới nơi thấy ngập trong mùi thuốc lá. Họ lấy những cái ly nước để làm gạt tàn, đầu lọc thuốc lá rất khiếp. Chưa kể, họ hát hò ầm ĩ tới 4 giờ sáng khiến người dân xung quanh rất tức giận, suýt chút nữa họ gọi công an tới”, anh N.M.H kể. Anh H. cho biết đa phần khách hàng đặt homestay của anh qua một ứng dụng, do đó, sau khi trả phòng, anh có quyền chấm điểm thấp cho khách đó, gây khó khăn cho vị khách nếu tiếp tục đi thuê phòng chỗ khác. Tuy nhiên, bị chấm thấp, họ lại đổi tên (nick name) mới, thành ra chỉ biết thở dài, chờ gặp khách có ý thức cao.

Đi du lịch không chỉ thưởng thức cái đẹp mà còn cần để lại hình ảnh đẹp 

Phạm Phú

Có những thứ không mua được bằng tiền

Anh Hồ Nhật Hà, tác giả sách du lịch, giáo viên dạy kỹ năng sống tại TP.HCM, cho rằng mỗi hành động của mỗi người, sẽ tạo ra một ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến những người xung quanh. Có những thứ có thể mua được bằng tiền, còn có những thứ không thể mua được, chính là thái độ sống.
Theo anh Hà, xả rác tại mỗi nơi du lịch, không chỉ gây ra mất cảnh quan, mà điều ít người nghĩ tới hơn là lượng rác quá lớn, chi phí nhân công dọn rác sẽ tăng lên và từ đó ảnh hưởng đến chi phí của mỗi tour du lịch, ảnh hưởng trực tiếp đến người đi du lịch. Nhiều du khách không có tâm lý chia sẻ, đồng cảm với những người lao động phục vụ du khách, biết đâu chính những cô lao công, những nhân viên buồng phòng đó là người cho ta những kinh nghiệm, câu chuyện du lịch thú vị, khiến chuyến đi của chúng ta thú vị, giá trị hơn?

Mỗi hành động của mỗi người, sẽ tạo ra một ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến những người xung quanh. Có những thứ có thể mua được bằng tiền, còn có những thứ không thể mua được, chính là thái độ sống.

Hồ Nhật Hà

'Cách bạn hành xử, là hình ảnh đất nước bạn'

Theo Travel Blogger Liên Phạm, lối suy nghĩ mất tiền thì làm gì cũng được, "mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng" trong nhiều người trẻ là một lối suy nghĩ sai lầm. "Việc giữ vệ sinh sạch sẽ, không bày bừa, giữ gìn đồ đạc của chung ở khu du lịch hay các nơi công cộng khác nó thể hiện luôn cả ý thức riêng, nếp sống riêng của mỗi người và nói lên con người đó là ai. Trường hợp nếu bạn đi du lịch nước ngoài thì cách cư xử, sinh hoạt của bạn cũng chính là hình ảnh của đất nước bạn", Liên Phạm chia sẻ.
Người viết blog về du lịch cho hay, một trong những giải pháp khắc phục tình trạng này, đó là nhờ đến phương tiện truyền thông, KOLs (những người có tầm ảnh hưởng) chia sẻ và nhắn gửi thông điệp mạnh mẽ hơn, để các bạn trẻ thay đổi ý thức.
Giáo viên dạy kỹ năng sống Hồ Nhật Hà thì cho rằng nên chăng cần thay đổi lại cách giáo dục ý thức cho mọi người ở nơi công cộng, thay vì những biển báo cấm (vì càng cấm thì càng làm), nên có những thông điệp dễ thương hơn.
“Một lần tôi đi du lịch tới Hà Giang, ở những trụ điện của thành phố, nơi mà bình thường bị dán những tờ rơi, quảng cáo, để khắc phục tình trạng này, người ta vẽ những bông hoa kèm theo những thông điệp thật dễ thương. Thế là tình trạng dán tờ rơi giảm hẳn. Tâm lý con người sẽ có hai hướng hành động, một là thỏa mãn niềm vui sướng, hai là tránh xa nỗi đau. Vậy thì nếu chúng ta “tránh xa nỗi đau” không được, hãy khơi dậy niềm vui. Ở những nơi hay bị xả rác, hãy thử thay bằng một bức tranh biếm họa hài hước nói về hành động xả xem sao. Khi mọi người đang làm một hành động theo thói quen và họ tự động bật cười cho chính hành động của mình thì đó là một cách vô cùng tuyệt vời để điều chỉnh hành vi”, anh Hồ Nhật Hà trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.