Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, đến nay, vấn đề phế liệu nhập khẩu được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là những lô hàng đang tồn đọng ở kho cảng, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.
“Cuộc họp hôm nay sẽ cập nhật thêm tình hình, diễn biến về nhập khẩu phế liệu hiện nay, đặc biệt là vấn đề số liệu. Hai là có giải pháp khẩn trương, đúng theo quy định pháp luật để xử lý lô hàng tồn đọng. Phần 2 sẽ là phần hết sức quan trọng, cùng nhau thống nhất phương án giải quyết, đồng thời đưa ra phương hướng áp dụng cơ chế chính sách pháp luật hiện hành cho đúng. Một trong những nguyên nhân khiến tình hình nhập khẩu phế liệu phức tạp là cơ chế phối hợp còn chưa tốt. Cuộc họp hôm nay cần thống nhất giải pháp, lộ trình, trách nhiệm để giải quyết sớm”, Bộ trưởng Hà nói.
Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng thông tin, hiện Tổng cục Môi trường đang tiếp nhận một số hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu để sản xuất các sản phẩm trung gian như hạt nhựa thương phẩm. Tuy nhiên, tại điểm c, mục 1 Chỉ thị số 27/CT - TTg của Thủ tướng quy định: “… không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu…”.
Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế sản xuất, Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội Giấy và bột giấy, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ TN-MT tiếp tục xem xét cấp giấy xác nhận cho các cơ sở nêu trên.
Qua khảo sát thực tế hiện nay, một số cơ sở sản xuất đã đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất trước ngày Chỉ thị số 27/CT-TTg có hiệu lực và đáp ứng đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, căn cứ quy định của luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật về thương mại và thông lệ quốc tế về hoạt động thương mại, một số sản phẩm trung gian từ quá trình tái chế phế liệu như: phôi thép, bột giấy tái chế và hạt nhựa tái chế là sản phẩm hàng hóa, đồng thời cũng là nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm thép, giấy và nhựa.
Do vậy, Bộ TN-MT đã dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với các hồ sơ cấp giấy xác nhận nêu trên và gửi xin ý kiến các Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Khoa học - Công nghệ.
Cụ thể, cho phép Bộ TN-MT, Sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục xem xét, cấp giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu để sản xuất các sản phẩm trung gian: phôi thép, bột giấy tái chế và hạt nhựa tái chế nếu đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được quy định tại điều 76 luật Bảo vệ môi trường 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24.4.2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Bình luận (0)