Xử lý hàng trăm vụ việc xả thải ra Bắc Hưng Hải
Theo Bộ TN-MT, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã chung tay xử lý ô nhiễm ở công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong đó, Bộ TN-MT đã xây dựng dự thảo, chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia trong đó có quản lý các thông tin nguồn thải phát sinh nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Năm 2024, Bộ TN-MT sẽ hoàn thiện hệ thống và hướng dẫn các địa phương cập nhật thông tin và chia sẻ dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương; rà soát, xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với nước thải nhằm kiểm soát chặt chẽ nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả ra môi trường nói chung và hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng...
Trong khi đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C05) Bộ Công an và công an 4 địa phương đã xử lý hàng trăm vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính gần 28 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, ô nhiễm ở hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn ở mức cao, đặc biệt vào mùa khô, do lượng nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, cụm công nghiệp không được thu gom, xử lý, vẫn xả thẳng ra sông.
Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng C05, cho hay Bộ Công an đang nghiên cứu đề nghị xử lý hình sự các đơn vị cố tình vi phạm xả thải gây ô nhiễm để giải quyết dứt điểm tình trạng cố tình vi phạm, tái phạm.
"Bộ Công an đã và đang làm quyết liệt việc kiểm soát hành vi xả thải gây ô nhiễm ra hệ thống Bắc Hưng Hải, tuy nhiên đó chỉ là phần ngọn, còn phần gốc vẫn phải là sự quyết tâm của địa phương trong việc xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải và cũng đến lúc phải công khai các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm…", ông Lệ nói.
Dùng ảnh viễn thám giám sát nguồn gây ô nhiễm Bắc Hưng Hải
Nói về vấn đề ô nhiễm kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, các địa phương, bộ, ngành đã quyết tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Ông đề nghị các đơn vị chuyên môn của bộ tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các bộ, ngành, đặc biệt là của các địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Người đứng đầu Bộ TN-MT cho rằng, nếu cần thiết sẽ thành lập ban quản lý lưu vực sông và trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND tỉnh rõ ràng, để từ đó có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp, gắn kết tốt giữa các địa phương nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có cơ hội cứu những dòng sông "chết".
Theo ông Khánh, Bộ TN-MT sẽ ban hành kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý theo luật Bảo vệ môi trường 2020; phối hợp chặt chẽ với C05 để khoanh vùng và có phương án giám sát đặc biệt (dùng ảnh viễn thám kết hợp số liệu quan trắc tự động) đối với những nguồn phát thải cao, có nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã đăng tải loạt bài nhiều kỳ về tình trạng đầu độc kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong đó, nước thải từ Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B là một trong những địa điểm đen về ô nhiễm. Nước thải từ khu công nghiệp này đổ ra kênh Trần Thành Ngọ rồi hòa vào nước sông Bắc Hưng Hải.
Sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra các quyết định xử phạt hành chính đối với 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may với tổng số tiền 1,05 tỉ đồng do có vi phạm về môi trường khi xả nước thải trái phép vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B.
Đáng chú ý, sau loạt bài này, ngày 3.4, PV Thanh Niên đã liên hệ với Bộ TN-MT để tìm hiểu về công tác quản lý, trách nhiệm cũng như giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nhưng chưa được trả lời.
Bình luận (0)