Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết ngày 13.10, Bộ TN-MT có Công văn số 6118/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.
Gần 8.000 m2 đất vàng tại 94 Lò Đúc, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội bị bỏ hoang từ năm 2013 đến nay |
LÊ QUÂN |
Thanh tra những dự án, công trình Báo Thanh Niên phản ánh
Nội dung công văn nêu thời gian qua, tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, TP lớn còn có nhiều dự án, công trình đã được nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nhưng chưa được kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật (điểm i khoản 1 điều 64 luật Đất đai 2013), gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội…. Sau Công văn 6118, lãnh đạo Bộ TN-MT theo dõi thấy Báo Thanh Niên triển khai loạt bài dài kỳ Hoang phí “đất vàng”, đặt vấn đề rất đúng, trúng về việc đất nước đang trong thời kỳ phát triển rất cần chắt chiu, tận dụng mọi nguồn lực, tuy nhiên vẫn còn không ít sự lãng phí kéo dài nhiều năm ở những công trình, dự án trên “đất vàng” bỏ hoang. Trong loạt bài này, Thanh Niên đã chỉ ra nhiều dự án, công trình bỏ hoang trên những ô đất có vị trí đắc địa, tiềm năng sinh lợi lớn ở nhiều địa phương như: Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Bình Thuận…
Cả trăm căn biệt thự ở khu đô thị Hoa Phượng, H.Hoài Đức, Hà Nội bị bỏ hoang dù đã xây xong phần thô |
LÊ QUÂN |
Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định theo tinh thần đã nêu tại Công văn 6118, Bộ TN-MT chắc chắn sẽ cử các đoàn thanh tra, kiểm tra những dự án, công trình hoang phí đất đai mà Thanh Niên đã nêu trong loạt bài.
Trách nhiệm để “đất vàng” hoang phí
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai (TCQLĐĐ) giải đáp nhiều vấn đề Thanh Niên nêu ra. Theo đại diện TCQLĐĐ, trách nhiệm để xảy ra tình trạng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất trên cả nước, đầu tiên là thuộc về chủ đầu tư vì được giao đất nhưng chậm hoặc không triển khai dự án hoàn thành. Nguyên nhân có nhiều như: do năng lực yếu kém hay đầu tư với mục đích không nghiêm túc, chiếm đất chờ tăng giá để bán kiếm lời…
Tiếp đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm. Theo luật Đất đai 2013 đã phân quyền, trực tiếp là các cấp chính quyền địa phương như UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, cho thuê đất. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu như chủ tịch UBND cấp tỉnh, giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, xã…
“Nếu doanh nghiệp (DN) xin dự án cung cấp nước sạch để trồng rừng nhưng thực tế lại không có rừng để tưới thì cơ quan quản lý không thể nào cấp chủ trương đầu tư do không phù hợp. Như vậy để thấy rằng cần phải xem xét yếu tố phù hợp quy hoạch, kế hoạch, đúng mục tiêu, có tính khả thi, hợp lý hay không? Không thể dễ dãi, DN xin làm gì cũng cho; lựa chọn chủ đầu tư, dự án không chính xác, dễ dẫn đến lãng phí đất đai”, đại diện TCQLĐĐ nói.
Cũng theo vị này, hàng ngũ kế đến chịu trách nhiệm là các sở, ngành giúp việc cho UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Đơn cử, sở TN-MT chịu trách nhiệm trong việc giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xác định giá đất… Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về cấp phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch… UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng, khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm khi để xảy ra lãng phí đất đai…
Sửa luật để hạn chế lãng phí đất đai
Đại diện TCQLĐĐ cho rằng để hạn chế, triệt tiêu được tình trạng bỏ hoang, lãng phí đất đai tại các dự án, công trình thì mỗi địa phương, cơ quan phải rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đồng thời, ngay từ khâu lựa chọn chủ đầu tư phải chuẩn, đúng đối tượng, đủ năng lực, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cơ quan quản lý địa phương cấp tỉnh phải xem xét DN đầu tư có thực sự nghiêm túc hay không; dự án đầu tư có hiệu quả hay không để lựa chọn đúng DN, dự án. Tiếp đó, trong khâu giao đất, cho thuê đất phải đúng, phù hợp quy hoạch.
Về giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các cấp sở, ngành từ khâu giải phóng mặt bằng, bàn giao chỉ giới đường đỏ, cấp phép xây dựng… phải nhanh gọn, tránh máy móc, tạo điều kiện cho dự án, DN hoàn thành đưa đất vào sử dụng.
Thêm một giải pháp nữa là các cấp quản lý nhà nước phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện dự án đưa đất vào sử dụng. Trường hợp DN chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng nếu có hoạt động giám sát chặt chẽ thì ngay từ 12 tháng đầu không đưa vào thực hiện đã phải có biện pháp xử lý sớm, không để kéo dài. Nếu phát hiện sai phạm thì kiên quyết xử lý, hoặc yêu cầu nộp tiền phạt theo quy định pháp luật.
Ô đất rộng gần 4.000 m2 ở 161 Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội bị bỏ hoang từ năm 2007 đến nay |
Về phía cơ quan quản lý cấp T.Ư, sẽ phải rà soát lại cơ chế, chính sách để thấy rõ các điểm chưa phù hợp, còn tạo ra các dự án chậm tiến độ để nghiên cứu xem xét lại. Hiện Bộ TN-MT đang tập trung rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung, rất sát sao. Đặc biệt, trong sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, Bộ TN-MT là cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu viết lại, có thay đổi so với luật Đất đai 2013, là chủ đầu tư dự án có sử dụng đất nếu vi phạm sẽ phải nộp luôn tiền phạt kết hợp biện pháp không cho gia hạn thời gian sử dụng đất.
“Luật Đất đai 2013 chỉ quy định thu tiền sử dụng đất, thuê đất trong thời gian chậm đưa đất vào sử dụng. Nhưng theo đề xuất của Bộ TN-MT trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi, bổ sung sẽ thu thêm cả tiền thuế tăng thêm nữa. Đây là biện pháp tài chính, đánh vào kinh tế, Bộ TN-MT đề xuất sẽ tăng thu thuế để DN có thể chậm triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng; nhưng nếu càng chậm sẽ càng phải nộp thuế nhiều cho nhà nước. Trường hợp càng để lâu, tiền thuế nộp phạt càng cao. Đồng thời, đề xuất kết hợp với giải pháp hành chính là dự án chậm hoặc không triển khai quá 48 tháng sẽ bị thu hồi, không cho gia hạn thêm”, đại diện TCQLĐĐ nói và cho biết đây là cụ thể theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đánh thuế cao đối với đối tượng đầu cơ, nhiều nhà đất, dự án bỏ hoang...
Để xử lý những dự án, công trình đã và đang bỏ hoang lãng phí tài nguyên đất, đại diện TCQLĐĐ cho rằng cần thúc đẩy đưa đất vào sử dụng bằng cách rà soát lại từng dự án để nắm bắt chính xác những nguyên nhân khiến dự án bỏ hoang, bắt bệnh được rồi mới có phương thuốc chữa. Nếu vướng thủ tục hành chính thì phải đẩy mạnh cải cách, tháo gỡ vướng mắc để dự án sớm về đích. Còn nếu các sở, ngành vẫn không tháo gỡ, thúc đẩy thủ tục hành chính cho DN thì dự án không thể đưa vào triển khai, sử dụng. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý, nếu phát hiện vi phạm đến mức phải thu hồi dự án thì kiên quyết dứt khoát không gia hạn thêm.
Bình luận (0)