“Ôm” mãi đất được giao
Theo kết luận của Tổng cục Quản lý đất đai vào tháng 6.2022, các dự án (DA) lãng phí đất đai, chậm triển khai phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận. Thế nhưng mãi đến ngày 11.10, Sở TN-MT Bình Thuận mới công khai danh tính các DA gây lãng phí đất đai mà Tổng cục Quản lý đất đai yêu cầu (và được đưa lên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận vào ngày 17.10).
Một dự án tại TP.Phan Thiết hàng chục năm không triển khai đã bị UBND tỉnh thu hồi đất, chấm dứt đầu tư |
Q.H |
Theo tổng hợp, từ năm 2003 đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực du lịch, thương mại tại Bình Thuận đã có khoảng 250 dự án, với diện tích đất 2.237 ha được giao cho các nhà đầu tư. Trong số đó, chỉ có 101 DA (911 ha, tỷ lệ 40,9%) được đưa vào hoạt động. Số DA không đưa đất vào sử dụng hoặc triển khai cầm chừng lên đến 150 DA với tổng diện tích 1.326 ha. Đáng chú ý, hầu hết các DA này nằm ở ven biển, trải dài từ H.Tuy Phong (giáp tỉnh Ninh Thuận) đến tận H.Hàm Tân (giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Dải đất ven biển ở Bình Thuận hiện nay có giá trị thương mại rất lớn và được ví như “đất vàng” vì có giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng/m2.
Người dân bao chiếm đất dự án ở Mũi Né |
Bên cạnh đó, có tới 132 DA (3.560 ha) được điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện. Đáng chú ý, có những DA được điều chỉnh, gia hạn đến cả chục lần, dù được giao đất từ năm 2004 đến nay nhưng chủ DA vẫn “ôm” đất không triển khai.
Theo công bố của Sở TN-MT Bình Thuận, những DA chây ì như DA khách sạn du lịch Hữu Lợi được giao đất từ năm 2004 (1,82 ha); DA khu biệt thự Revera Park được giao đất từ 2007 (9,4 ha); khu du lịch Minh Sơn (4,57 ha) giao đất từ 2009; khu du lịch Thành Hưng (4,8 ha) được giao đất từ 2005; khu du lịch Muine Infyty (29 ha) được giao đất từ 2005 (đều ở thủ phủ du lịch Mũi Né, TP.Phan Thiết). Cá biệt có DA khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết, rộng tới 55,4 ha (xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết) được giao đất từ 2005 nhưng đến nay vẫn không làm gì.
Khu vực xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình, giáp với thủ phủ du lịch Mũi Né, TP.Phan Thiết, có hàng chục dự án không triển khai, gây lãng phí hàng trăm héc ta “đất vàng” ven biển |
Trước đó, ngày 9.12.2015, Sở TN-MT Bình Thuận báo cáo lên Tổng cục Quản lý đất đai tại tỉnh này có 12 DA vi phạm pháp luật về đất đai. Nhưng kể từ đó đến nay, Sở TN-MT Bình Thuận không báo cáo các DA vi phạm trong lĩnh vực đất đai để công bố lên cổng thông tin của Bộ TN-MT theo đúng quy định.
Theo báo cáo của UBND H.Bắc Bình, chỉ tính riêng tại xã Hòa Thắng và xã Hồng Phong (giáp với P.Mũi Né, TP.Phan Thiết) đã có tới 32 DA du lịch thương mại, dịch vụ với tổng diện tích 822 ha (“đất vàng” ven biển). Trong số này chỉ có 8 DA được triển khai nhưng chưa hoàn thiện. Số DA chưa có tác động lên đất chiếm diện tích lên đến 506,8 ha.
“Nói là triển khai nhưng có vài DA họ chỉ làm cái tường rào giữ đất, làm cái nhà bảo vệ. Có DA còn thêm được một cái nhà điều hành, thực ra đã triển khai gì đâu”, một cán bộ UBND xã Hòa Thắng cho hay. Ông Nguyễn Đình Tư, một người dân ở thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, bức xúc: “Một xã có tới mấy chục dự án, vài trăm héc ta đất bị “xí phần” rồi bỏ hoang đó thì sao mà kinh tế phát triển được. Người dân ở đây bỏ nghề nông, đa số bà con vẫn còn nghèo”.
Nhiều hệ lụy phát sinh
Theo một cán bộ P.Mũi Né (TP.Phan Thiết), tại địa phương này đang xảy ra tình trạng người dân vào các DA lấn chiếm đất đai, gây ra tình trạng bất ổn về an ninh trật tự. Dọc theo đường Võ Nguyên Giáp hoặc các điểm giáp ranh, xuất hiện rất nhiều chòi lợp tôn, nhiều nơi cắm cọc hàng rào giữ đất. Đó là các khu vực có người dân vào lấn chiếm đất, hoặc là tái lấn chiếm của các dự án.
“Những DA này đã được UBND tỉnh giao đất từ nhiều năm nay. Nhưng do nhiều nguyên nhân, chủ đầu tư không triển khai, hoặc triển khai cầm chừng. Do vậy nhiều hộ dân vào lấn chiếm, hoặc tái lấn chiếm khiến chúng tôi rất đau đầu khi phải giải quyết các vụ mất trật tự dạng này”, một cán bộ P.Hàm Tiến (TP.Phan Thiết) nói.
Hay mới đây nhất, Báo Thanh Niên từng phản ánh tình trạng hàng chục hộ dân ở xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình đã lấn chiếm đất đai trong DA trồng rừng ở địa phương này. Mâu thuẫn, xung đột diễn ra rất căng thẳng giữa người dân và lực lượng bảo vệ của chủ đầu tư DA, khiến chính quyền và công an phải can thiệp.
Một lãnh đạo Công an H.Bắc Bình cho rằng các vụ tranh chấp đất đai giữa người dân với chủ DA ở địa phương này chủ yếu diễn ra ở xã Hòa Thắng, xã Hồng Phong, nơi có rất nhiều DA du lịch thương mại chậm triển khai. Vị trí các xã này gần sân bay Phan Thiết và gần thủ phủ du lịch Mũi Né nên đất thương mại, dịch vụ có giá rất cao, và có khá nhiều vụ bao chiếm, tranh chấp đất tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Trách nhiệm chính quyền tới đâu?
Trong những năm qua, Bình Thuận thu hút được khá nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng đất đối với các nhà đầu tư tại các DA (150 dự án) lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch (1.326 ha đất) không đưa đất vào sử dụng, hoặc triển khai cầm chừng gây lãng phí đất đai, khiến dư luận bức xúc.
Tổng cục Quản lý đất đai nhận định để xảy ra tình trạng trên trước hết là do ý thức chủ quan của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đến Bình Thuận lập DA đầu tư nhưng không đủ năng lực về tài chính, chuyên môn để triển khai. Có những chủ đầu tư không có ý định đầu tư nghiêm túc, muốn “xí đất” để sang nhượng DA kiếm lời, không tuân thủ các quy định về đất đai, không chủ động phối hợp địa phương trong việc đưa đất vào sử dụng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân thuộc về lỗi của cơ quan nhà nước. Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng để xảy ra tình trạng này còn do các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp chưa làm hết trách nhiệm của mình. Trong đó, tập trung chủ yếu là trách nhiệm của UBND tỉnh (trách nhiệm chung), Sở TN-MT (trong lĩnh vực đất đai), Sở KH-ĐT (trong lĩnh vực đầu tư), Sở Xây dựng (trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng) và của UBND cấp huyện trong việc kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý các sai phạm, phối hợp chủ đầu tư để giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý các hộ dân lấn chiếm đất đai...
Không nộp tiền đất
Trong số 47 DA du lịch mà Tổng cục Quản lý đất đai trực tiếp kiểm tra, có 21 DA (132 ha) đã “ngâm” hơn 10 năm nay không đưa đất vào sử dụng. Cá biệt có DA ở Mũi Né đã kéo dài gần 15 năm không đưa đất vào khai thác.
Đáng chú ý, Tổng cục Quản lý đất đai còn phát hiện tại Bình Thuận có nhiều DA đã chuyển nhượng theo hình thức góp cổ phần, thay đổi chủ đầu tư như DA khu du lịch Thu Hằng, DA khu du lịch Hòn Lan, DA khu du lịch sinh thái Delverton… Có DA đã 8 lần điều chỉnh tiến độ đầu tư nhưng hiện nay vẫn chậm, không đưa đất vào sử dụng.
Không chỉ chây ì, “ôm” đất không triển khai, đáng nói hơn còn có nhiều DA không chịu nộp tiền đất. Đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai phát hiện có 5/47 DA chưa nộp tiền đất với số tiền hơn 242 tỉ đồng.
“Việc cho gia hạn tiến độ đầu tư, điều chỉnh DA đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư ở Bình Thuận còn dễ dãi, chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật”, Tổng cục Quản lý đất đai kết luận.
Hoang phí 'đất vàng'
Bình luận (0)