Vốn FDI “trói chân đất vàng”
Dự án tổ hợp chung cư quốc tế Booyoung Vina (dự án Booyoung) có diện tích 4,3 ha nằm 2 bên trục đường Vũ Trọng Khánh - tuyến chính trong khu đô thị Mộ Lao (Q.Hà Đông) luôn được giới bất động sản đánh giá là khu đất có vị trí “vàng” ở phía tây thủ đô. 20 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội lan ra khu vực phía tây rất nhanh, mạnh nên khu đất có diện tích lớn, với quy hoạch xây dựng nhà chung cư cao tầng càng trở thành mục tiêu săn đón của giới đầu tư.
Nhiều ô “đất vàng” của dự án Booyoung ven đường Vũ Trọng Khánh ở khu đô thị Mộ Lao (Q.Hà Đông, Hà Nội) để hoang nhiều năm |
LÊ QUÂN |
Năm 2006, dự án Booyoung của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam (Booyoung Vina) có nguồn vốn FDI từ Tập đoàn Booyoung của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực bất động sản được cấp phép xây dựng 6 tòa chung cư cao 30 tầng. Năm 2007, dự án bắt đầu khởi công với tổng kinh phí lên đến 171 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỉ đồng). Dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng đến nay dự án mới chỉ hoàn thành 2 tòa nhà, bàn giao đưa vào sử dụng. Phần lớn diện tích đất của dự án Booyoung vẫn để hoang, quây hàng rào tôn xung quanh. Trên khu đất dự án, cỏ dại mọc um tùm che lấp những đống sắt thép phục vụ thi công đã bị hoen gỉ.
Theo tìm hiểu thông tin từ UBND Q.Hà Đông, từ khoảng 2007 - 2013, Booyoung Vina nhiều lần đề nghị thay đổi chủ đầu tư, xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Đơn cử, đầu năm 2011, công ty này đề nghị chuyển quyền đầu tư dự án sang cho nhà đầu tư mới là Booyoung Housing Co., Ltd (một công ty con trực thuộc Công ty TNHH Booyoung của Hàn Quốc). Tháng 7.2011, dự án Booyoung được tái khởi động nhưng rồi lại “đắp chiếu”.
Nhiều tòa nhà tại dự án Khu đô thị Văn Khê mở rộng - Usilk City vẫn chỉ xây xong phần móng, hầm rồi “ôm đất vàng” bỏ hoang |
Đến giữa năm 2013, Công ty Booyoung Vina lại đề nghị Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ toàn bộ các tòa nhà CT-02, CT-03, CT-04, CT-05, CT-06, CT-07 của dự án. Đến tháng 9.2015, công ty tiếp tục thi công xây dựng dự án trên các ô đất ký hiệu CT-04 và CT-07. Đến nay, chỉ có 2 tòa chung cư này được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, có người dân sinh sống. Còn 4 ô đất khác trong 4,3 ha dự án Booyoung đến nay vẫn bỏ hoang. Đại diện UBND Q.Hà Đông cho biết chưa có thông tin về thời điểm dự án triển khai trở lại, còn việc thu hồi dự án không thuộc thẩm quyền cấp quận.
Ông Đào Thanh Tùng, 62 tuổi, cán bộ hưu trí ở P.Mộ Lao (Q.Hà Đông), cho biết khi thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị Mộ Lao, ruộng đất của người dân bị thu hồi để làm đường, xây nhà. Nhiều ô đất đã xây dựng, đưa vào sử dụng nhưng đáng tiếc là những ô đất có vị trí đẹp thuộc dự án Booyoung lại để hoang gần 20 năm, rất lãng phí. “Trong nhiều chương trình giám sát của HĐND TP.Hà Nội đều đã đưa vào nội dung rà soát, cảnh báo những dự án chậm tiến độ, nhưng chưa giải quyết triệt để dự án bỏ hoang”, ông Tùng thắc mắc.
Đại diện Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết việc xử lý vi phạm, thu hồi những dự án chậm triển khai đã được quy định cụ thể tại luật Đầu tư nhưng quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do quy trình cồng kềnh. Việc xem xét kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án cũng còn nhiều hạn chế, nhất là với những dự án đã thực hiện một số thủ tục ban đầu, đã bỏ kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…
Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội khẳng định đối với các dự án chủ đầu tư chây ì, cố tình “ôm đất”, Sở sẽ kiến nghị không giao đất, giao dự án mới; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.
“Nghĩa địa” bất động sản trên “đất vàng”
Dự án Khu đô thị Văn Khê mở rộng - Usilk City do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, từng được ví là nơi “đáng sống bậc nhất Q.Hà Đông”, rồi nay lại được biết đến là “nghĩa địa bất động sản giữa Hà Nội”. Dự án Usilk City được khởi công từ năm 2008 trên khu đất rộng 9,2 ha với mặt tiền trải dài ven đường Tố Hữu - tuyến đường huyết mạch ở phía tây thủ đô, với 13 tòa nhà cao 27 - 50 tầng, gồm 2.700 căn hộ.
Theo dự kiến của chủ đầu tư, các tòa nhà sẽ được bàn giao vào cuối năm 2012. Dù vậy, đến nay đã hơn 10 năm, phần lớn các tòa nhà mới chỉ thi công xong phần móng, hầm rồi để bê tông cốt thép phơi mưa nắng. Cả trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án này đều bất lực, vô vọng trong việc đòi nhà dù đã nộp rất nhiều tiền.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết tháng 1.2017, Thanh tra TP.Hà Nội ban hành kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị Văn Khê mở rộng - Usilk City đã nêu rõ nhiều sai phạm. Trong đó, đáng chú ý là Công ty CP Sông Đà Thăng Long chưa đủ điều kiện năng lực khi được giao chủ đầu tư dự án. Thời điểm cuối năm 2007, vốn chủ sở hữu của công ty hơn 144 tỉ đồng, chưa đầy 2% tổng mức đầu tư của dự án (gần 9.500 tỉ đồng) là vi phạm pháp luật về đầu tư.
Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã ký hợp đồng huy động vốn với 103 khách hàng; ký hợp đồng bán nhà với gần 1.931 người; ký hợp đồng bán sàn thương mại với gần 188 khách hàng; ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 3 công ty; ký hợp đồng vay vốn với một công ty; ký hợp đồng vay vốn với 7 tổ chức tín dụng và 2 công ty tài chính; phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn cho dự án, với tổng số tiền lên đến hơn 8.400 tỉ đồng… Trách nhiệm của những tồn tại, sai phạm này là của HĐQT, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Thăng Long.
Theo tìm hiểu, nhiều năm qua không ít người đã liên hệ với ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Thăng Long, nhưng không thể gặp để đòi tiền, nhà. Chủ đầu tư yếu kém năng lực đã tìm cách bán lại từng phần dự án cho một số đơn vị vào tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành, nhiều phần công trình vẫn bỏ hoang, lãng phí cả tiền đầu tư xây dựng và quỹ đất có vị trí đẹp.
Tại Q.Hà Đông còn không ít công trình cao tầng ôm “đất vàng” rồi bỏ hoang. Đơn cử như tòa cao ốc Tokyo Tower (trước đây là chung cư Vinafor hay Landmark 51), tại số 55 Vạn Phúc. Dự án được khởi công từ tháng 4.2015, gồm tòa nhà hỗn hợp đa năng cao 51 tầng nổi trên lô đất có tổng diện tích gần 4.600 m2, với 688 căn hộ tại khu vực trung tâm Q.Hà Đông.
Dự án này do Công ty CP Xây dựng Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư; Ngân hàng PVcomBank là đơn vị bảo lãnh. Năm 2015, dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành “trái tim của Q.Hà Đông”, hứa hẹn sẽ là tòa nhà cao thứ 3 trên địa bàn Hà Nội khi hoàn thành, chỉ sau tòa nhà Keangnam Hà Nội Landmark Tower và tòa nhà Lotte Center Hà Nội.
Dự kiến dự án được đưa vào sử dụng quý 4/2017, nhưng đến nay Tokyo Tower vẫn chưa thể bàn giao. Ngoài việc không thể bàn giao căn hộ cho khách hàng, trong quá trình triển khai dự án chủ đầu tư còn không thực hiện đúng các cam kết về thanh toán với ngân hàng. Từ tháng 9.2018, PVcomBank đã thu giữ tài sản là dự án này để xử lý nợ theo quy định, nhưng đến nay chưa giải quyết xong.
Hoang phí 'đất vàng'
Bình luận (0)