Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Giải quyết chất vấn ngay sau phiên chất vấn

14/06/2015 07:05 GMT+7

Sáng qua (13.6), ngay sau khi đăng đàn chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có cuộc họp khẩn để giải quyết một vấn đề mà đại biểu nêu.

Sáng qua (13.6), ngay sau khi đăng đàn chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có cuộc họp khẩn để giải quyết một vấn đề mà đại biểu nêu.

Đổi mới không phải để tạo cú sốc - ảnh 1Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng
Đại biểu Đặng Kim Chi (Phú Yên) chất vấn người đứng đầu ngành GD-ĐT về việc quy định cụm thi với học sinh của Phú Yên: Nếu như phải ra ngoài tỉnh để thi, tại sao không cho các em được chọn thi theo khu vực. Ví dụ như các huyện, thị xã cánh bắc của Phú Yên có thể ra Quy Nhơn thi, còn cánh nam thì vào Nha Trang. Như vậy, sẽ đỡ tốn kém và đi lại an toàn hơn nhiều, thay vì tất cả học sinh của Phú Yên phải thi ở Khánh Hòa như việc chia cụm hiện nay.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Luận cho rằng do Phú Yên không có đề nghị nên Bộ không có thông tin để thay đổi cụm thi, dù tinh thần của Bộ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Tuy nhiên, trưa 13.6, Văn phòng Bộ GD-ĐT có văn bản gửi báo chí cho biết ngay sau phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng và quyết định chuyển các thí sinh của 3 huyện phía bắc của tỉnh Phú Yên là: Tuy An, Đồng Xuân và Sông Hinh về các cụm thi tại tỉnh Bình Định (mà không phải thi ở Khánh Hòa như đã quy định), nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Các thí sinh ở các huyện, thị xã còn lại vẫn dự thi tại các cụm thi của tỉnh Khánh Hòa.

Thế nhưng, đến cuối giờ chiều 13.6, UBND tỉnh Phú Yên cho biết muốn giữ ổn định cụm thi, vì rất nhiều phụ huynh đã bố trí chỗ ăn, ở cho thí sinh ở cụm thi Khánh Hòa. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đồng ý theo ý kiến UBND tỉnh Phú Yên.

Áp dụng đại trà cách thi của ĐHQG HN?

Đại Biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội vừa tổ chức và đặt câu hỏi: “Bộ trưởng đánh giá như thế nào và có thể áp dụng đại trà cho các năm sau hay không?”. Bộ trưởng Luận cho rằng: “Cũng như các trường khác có phương án tuyển sinh riêng, chúng tôi đã cử cục khảo thí tham gia các hội thảo góp ý hoàn thiện từ những ngày đầu khi ĐHQG xây dựng phương án đến khi hoàn thiện và Bộ phê duyệt để triển khai. Tinh thần là trân trọng sự chủ động của các cơ sở nhằm tìm ra hướng đổi mới.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này mới kết thúc việc chấm thi và việc chấm này chưa thể khẳng định được kết quả của nó, bởi phải trên nền tảng của thi THPT quốc gia, các thí sinh này được công nhận tốt nghiệp thì kết quả kỳ thi của ĐHQG mới có ý nghĩa. “Chúng tôi đang chờ khi kết thúc toàn bộ công tác tuyển sinh, ĐHQG sẽ có báo cáo tổng thể và chúng tôi sẽ cùng xem xét để đánh giá và có phương án bổ sung hoàn thiện”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến việc có nhân rộng mô hình thi của ĐHQG hay không, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng: Vì vấn đề tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các trường, nếu các phương án các nhà trường đang triển khai, đang chủ động sáng tạo và có hiệu quả thì sẽ có giá trị lan tỏa trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.