Bộ trưởng Bộ TT-TT: Sẽ bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng

Mai Hà
Mai Hà
04/11/2022 12:22 GMT+7

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai ) cho rằng có việc lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.

Chất vấn Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng sáng nay 4.11, nhiều đại biểu nêu vấn đề quản lý mạng xã hội cũng như nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân dẫn tới các cuộc gọi rác, làm phiền người dân.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

gia hân

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, nhiều cử tri đánh giá rất cao Bộ TT-TT đã tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số..., nhưng vì thế mà Bộ chưa quan tâm tập trung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội, khi các vụ việc xảy ra thì mới thanh tra, kiểm tra và dẫn đến báo hóa mạng xã hội, gây lúng túng, chậm xử lý.

Dẫn ra ví dụ vi phạm như livestreams bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, đại biểu Hoàng Anh cũng đề nghị làm rõ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT-TT luôn coi thể chế là số một, nhưng cũng có một số vấn đề mà các quy định hiện hành chưa đầy đủ. “Thời điểm xử lý livestream của bà Nguyễn Phương Hằng vì chưa có quy định pháp luật cụ thể. Khi đó chúng ta đã dùng thể chế cũ của Nghị định 72 xử phạt 2 lần sau đó chuyển cho cơ quan hình sự xử lý”, Bộ trưởng Hùng nêu.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT về vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng

Về giải pháp, Bộ trưởng TT-TT cũng cho biết đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, chẳng hạn chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream, phải cung cấp thông tin thời gian, và nếu bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...

Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn một lần nữa khi cho rằng, với vụ việc như bà Nguyễn Phương Hằng, "xảy ra như vậy có phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không?".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định không có chuyện này và nhắc lại phần trả lời trước đó, đồng thời khẳng định đang sửa đổi bổ sung Nghị định 72 để có đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý các vụ việc tương tự.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) chất vấn về trách nhiệm chậm xử lý livestream bà Nguyễn Phương Hằng

gia hân

Người Mỹ nhận cuộc gọi rác nhiều 3 lần Việt Nam

Đại biểu Tạ Minh Tâm nêu, hiện nay có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó đối với 3 mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản. Theo ông, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mạng xã hội kinh doanh trên dữ liệu cá nhân, thu thập dữ liệu cá nhân. Nhắc lại cách đây 3 năm, tại diễn đàn Quốc hội ông cũng từng nêu quan điểm phải có mạng xã hội Việt Nam, bởi không thể bỏ nền tảng này được.

Năm 2009, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có 130 triệu tài khoản, tương đương với số người dùng Facebook và YouTube cộng lại. "Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu của người Việt Nam tại Việt Nam", Bộ trưởng Hùng nói.

Thời gian tới, các cơ quan sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc. "Các nước ý thức rất rõ vấn đề này nên khung phạt vi phạm rất cao, có khi lên đến hàng tỉ USD với doanh nghiệp kinh doanh thu thập dữ liệu cá nhân, mức phạt tù có khi lến đến 10 năm", Bộ trưởng dẫn chứng.

Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng Hùng cho biết Bộ TT-TT đã làm rất quyết liệt loại 22 triệu sim không đầy đủ thông tin. Bộ đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể xem xét trách nhiệm của từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông.

Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Thông về tình trạngkhủng bố qua điện thoại như đòi nợ thuê, quảng cáo gây ảnh hưởng đến người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thời gian qua Bộ TT-TT và các nhà mạng đã chặn hiệu quả tin nhắn rác, nhưng lại nổi lên câu chuyện cuộc gọi rác, quảng cáo. Song ông cũng cho rằng, theo thống kê ở Mỹ và Brazil, người dân phải nhận các cuộc gọi không liên quan gấp 3 lần Việt Nam.

“Gần đây Bộ chính thức công bố số điện thoại để người dân phản ánh. Các nhà mạng chung tay ngăn chặn 30 - 40.000 số điện thoại gọi rác mỗi tháng, tăng hơn 30% so với năm ngoái”, Bộ trưởng Hùng nêu.

Sẽ yêu cầu bộ ngành, địa phương công khai cơ sở dữ liệu

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về việc có tình trạng cát cứ dữ liệu của các cơ quan nhà nước không? Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về luật pháp chỉ có dữ liệu Chính phủ, nhưng tâm lý cũng có câu chuyện xây dựng xong cơ sở dữ liệu rồi nhưng chưa yên tâm, đắn đo cân nhắc nên mang ra cho mọi người dùng chưa. Hoặc cơ sở rất lớn nếu nối vào các hệ thống khác có an toàn không?

Ông cho biết, với 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối không có tình trạng cát cứ. Năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số quốc gia, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các bộ ngành địa phương công khai các dữ liệu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.