Đã có tổng đài 156 để phản ánh tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo

Thu Hằng
Thu Hằng
31/10/2022 20:01 GMT+7

Từ sáng mai 1.11, tổng đài 156 xử lý cuộc tin nhắn, gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo sẽ chính thức được kích hoạt và có thể nhận phản ánh của người dân để tổng hợp, xử lý.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết chiều nay 31.10, tại buổi họp báo công bố triển khai hệ thống xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo gia tăng trong thời gian gần đây

Đào Ngọc Thạch

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, thời gian gần đây, cuộc gọi rác trên mạng viễn thông có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Theo thống kê của Bộ TT-TT, 9 tháng năm 2022, tổng đài 5656 - Tổng đài tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn của Bộ TT-TT đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh.

Trong đó, số lượt phản ánh tin nhắn rác là 25.476 lượt (giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021); số lượt phản ánh cuộc gọi rác là 177.473 (tăng 34,2%), trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%. Số tin nhắn rác đã chặn 458,7 triệu tin (tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2021).

"Để giải quyết vấn nạn này, Bộ TT-TT đã mở các cuộc thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên, vẫn chưa thể xử lý trong ngày một, ngày hai. Trong khi đó, người dân khi bị các cuộc gọi lừa đảo, đe dọa lại chưa có một kênh nào tiếp nhận các nội dung này. Bộ TT-TT nhận thấy, đây là trách nhiệm của ngành, chúng tôi đã làm việc với các nhà mạng để thiết lập một đầu số, đầu mối tiếp nhận phản ánh của người dân về cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác, tin nhắn rắc," Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Theo đó, từ 8 giờ sáng mai 1.11, bên cạnh đầu số 5656, Bộ TT-TT cùng các doanh nghiệp viễn thông sẽ kích hoạt đầu số 156. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai tới tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long chia sẻ thông tin tại buổi họp báo

Thu HẰng

Người dân nơi để phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn và gọi điện tới tới đầu số 156. Cụ thể, cú pháp như sau:

Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 trong đó:

Với tin nhắn rác, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656).

Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656).

Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656).

Cách 2: Ngoài nhắn tin, người dân có thể gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà mạng sẽ sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng, đồng thời tổng hợp gửi nội dung phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT-TT để có biện pháp xử lý theo quy định.

Các doanh nghiệp viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viên thông 2 chiều nếu số thuê bao có hành vi vi phạm phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo.

Trước đó, cuối tháng 8 vừa qua, 7 nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã ký thoả thuận ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.