Ngày 6.4, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã ký ban hành Công điện số 795/BCA-V11 gửi công an các đơn vị, địa phương về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong công an nhân dân.
Công điện nêu rõ, thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng công an nhân dân; kỷ luật, kỷ cương từng bước được chấn chỉnh; đoàn kết nội bộ được tăng cường; đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật; giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng từ những năm trước, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật, điều lệnh nội vụ trong ngành gần đây vẫn còn xảy ra. Trong đó, có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng như bao che, tiếp tay cho tội phạm; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản;… thậm chí, có trường hợp là cán bộ lãnh đạo chỉ huy, sĩ quan cao cấp.
Đáng chú ý, theo công điện này, nhiều vụ việc tiêu cực được báo chí tập trung phản ánh hoặc bị đăng tải, chia sẻ, xuyên tạc, lợi dụng để “giật tít”, “câu view”, “câu like” trên các báo điện tử, mạng xã hội, gây bất lợi về chính trị, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bản chất công an cách mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng công an.
Từ tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hàng loạt biện pháp, trong đó đáng chú ý là chủ động phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân; lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của nhân dân, hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các phần tử xấu, "lợi ích nhóm",… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp công an.
Đồng thời, nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, chú trọng các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Khi có các vụ việc phức tạp được dư luận, báo chí phản ánh, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải chủ động nắm tình hình, nếu cần thiết phải có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra để làm rõ thông tin, đề xuất giải quyết dứt điểm, không để phức tạp, kéo dài.
Bình luận (0)