Bộ trưởng Công thương: 'Đủ hàng hoá thiết yếu ngay cả khi cách ly cả một thành phố'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
19/03/2020 23:37 GMT+7

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định kể cả trường hợp xấu nhất là cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành thì vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

Chủ trì cuộc họp khẩn cuối giờ chiều nay (19.3) với các vụ, cục thuộc Bộ Công thương để bàn về cung ứng hàng hoá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định kể cả trường hợp xấu nhất, cách ly một thành phố, cách ly một vài tỉnh thành thì vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân. 

Không để địa phương nào thiếu các mặt hàng thiết yếu

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với trách nhiệm của một bộ quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, Bộ Công thương khẳng định có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân, nếu dịch bệnh kéo dài một tháng, hai tháng, 6 tháng và lâu hơn nữa. Trong tình huống khẩn cấp hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ huy động nguồn dự trữ quốc gia, bởi Thủ tướng đã chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đời sống của người dân cần được ưu tiên hàng đầu.
"Sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, sẽ không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu”, ông Tuấn Anh nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng ngay lúc này, Bộ Công thương đã phải rà soát và chắc chắn được khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương, trong tổng thể nguồn cung của cả nước. Các địa phương phải có được đầu mối cung cấp nguồn hàng, danh sách các doanh nghiệp sản xuất, tiếp nhận, để khâu thông tin liên lạc được thông suốt, kịp thời và chủ động vào cuộc, kể cả tình huống xấu nhất cũng như tại bất cứ thời điểm nào.
“Đừng đợi tình huống xấu xảy ra mới vào cuộc, cũng không đợi địa phương báo cáo mà phải đi đến từng địa phương để kiểm tra và chắc chắn rằng chúng ta đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân cũng như đảm bảo khâu lưu thông”, ông Hải bày tỏ.
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ Thị trường trong nước cho biết đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao?
“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Hà Nội dự trữ nhu yếu phẩm gấp đôi nhu cầu

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nội đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% - 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Cụ thể: gạo 46.485 tấn; thịt lợn 9.297 tấn; thịt trâu, bò 2.675 tấn; thịt gia cầm 3.099 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; bột canh 356 tấn; rau củ 51.650 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 2.582,5 tấn; thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 464.85 triệu gói.
Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Trong đó định mức cho 1 người trong 30 ngày, gạo 18 kg; thịt lợn 1,35 kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0.15 kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56 kg; thực phẩm chế biến 1,35 kg; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 gói.
Tổng lượng hàng cần thiết như sau: gạo 90 tấn; thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75.000 quả; muối ăn, bột canh 750 kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60.000 gói.
Ngay trong chiều 19.3, Sở Công thương Hà Nội cũng đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.