Bộ trưởng Công thương: Mỗi năm 4 sàn TMĐT 'ngoại' nhập 1 tỉ USD, thất thoát thuế

04/06/2024 17:32 GMT+7

Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, 4 sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1 tỉ USD hàng nhập khẩu giá trị nhỏ và thất thoát thuế nếu không điều chỉnh chính sách.

Sau phiên chất vấn của Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh, chiều nay 4.6, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội. Phần trả lời của Bộ trưởng Diên được người điều hành là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiều lần nhắc cần đi sát vào trọng tâm câu hỏi của đại biểu.

Bộ trưởng Công thương: Mỗi năm 4 sàn TMĐT 'ngoại' nhập 1 tỉ USD, thất thoát thuế- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM)

GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cho rằng, thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, nhưng hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, mở rộng về quy mô, địa bàn hoạt động. Chưa kể, thương mại điện tử trên mạng xã hội phức tạp. Ông đề nghị Bộ Công thương có giải pháp để phát triển thương mại điện tử lành mạnh và thu thuế trên thương mại điện tử, mạng xã hội.

Trả lời đại biểu Hoàng, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đối mặt 3 thách thức trong thương mại điện tử. Theo đó, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hàng giả, hàng kém, chất lượng... đổ bộ vào, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng. Tỷ lệ thất thu thuế trên sàn thương mại điện tử còn lớn.

Về bảo vệ an toàn dữ liệu cho người tiêu dùng, ông Diên thừa nhận có tình trạng lộ, lọt thông tin. Bộ Công thương đã nhận diện vấn đề này và tham mưu Chính phủ ban hành luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật. 

Luật này đưa ra nguyên tắc xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Với việc luật này có hiệu lực từ 1.7, hy vọng khắc phục được các bất cập. Tới đây, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành yêu cầu sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Liên quan tới hàng giả, hàng nhái thâm nhập, Bộ trưởng Công thương cho biết cơ quan này khuyến nghị người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Triển khai cơ chế tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Năm 2023, cơ quan chức năng gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm.

Đồng thời, tăng kiểm tra nguồn gốc hàng, để tránh hàng giả, hàng nhái. Phối hợp với hải quan, tách bạch giữa luồng thông thường để tăng cường quản lý người bán từ nước ngoài qua kênh này.

Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ tham mưu Chính phủ xem xét miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ, để tránh nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử, cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

Bộ trưởng Công thương: Mỗi năm 4 sàn TMĐT 'ngoại' nhập 1 tỉ USD, thất thoát thuế- Ảnh 2.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn chất vấn chiều 4.6

GIA HÂN

Theo Bộ trưởng Diên, hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng hiện không phải chịu thuế VAT. Trong khi theo khảo sát, 4 sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 tỉ USD hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua đây. Có lượng thuế nhất định thất thoát nếu không điều chỉnh chính sách.

"Quản lý xuất nhập khẩu trên thương mại điện tử rất khó"

Cũng băn khoăn về việc quản lý thương mại điện tử, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) hỏi chính sách quản lý doanh nghiệp với hàng xuất nhập khẩu được thực hiện ra sao.

Bộ trưởng Diên thừa nhận "quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên môi trường thương mại điện tử rất khó" và cũng nhắc lại việc thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để ban hành luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, phê duyệt Đề án chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Tham mưu chính sách quản lý thông tin giao dịch thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu… 

Thời gian tới, để tăng cường quản lý thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu, bộ sẽ đẩy mạnh cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành và các địa phương; ban hành cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử. 

Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành quản lý về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu thương mại điện tử, tách bạch hàng hóa thông thường và hàng hóa thương mại điện tử; bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng; tăng cường kiểm tra, xử lý về nguồn gốc để tránh hàng giả.

Theo lịch trình, Bộ trưởng Công thương trả lời 3 vấn đề "nóng": công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. 

Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và bộ trưởng các bộ KH-ĐT, Tài chính, NN-PTNT, KH-CN, TT-TT, Ngoại giao sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.