Bộ trưởng Công thương: 'Phải làm ngay' việc sắp xếp bộ máy quản lý thị trường

17/12/2024 20:53 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, quyết định kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, nhưng không thể không làm và không thể làm chậm hơn.

Đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 17.12, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin chi tiết về quyết định kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường.

Bộ trưởng Công thương: 'Phải làm ngay' việc sắp xếp bộ máy quản lý thị trường- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo tại hội nghị

ẢNH: QUYÊN LƯU

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, quyết định kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các cục quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình chi cục quản lý thị trường thuộc sở, được thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo T.Ư, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Người đứng đầu Bộ Công thương cũng khẳng định, "đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn" và đề nghị cấp ủy lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, các cục quản lý thị trường địa phương quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Trong đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt yêu cầu toàn lực lượng quản lý thị trường "phải làm ngay" việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chứ không phải là sự sắp xếp cơ học, nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ, đội.

Xử lý vi phạm trên thương mại điện tử tăng mạnh

Thông tin về kết quả công tác trong năm 2024, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết toàn lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ; phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường thu nộp ngân sách Nhà nước trên 541 tỉ đồng, xử lý vi phạm hàng hóa trị giá 425 tỉ đồng.

Bộ trưởng Công thương: 'Phải làm ngay' việc sắp xếp bộ máy quản lý thị trường- Ảnh 2.

Ông Trần Hữu Linh thông tin tại hội nghị tổng kết

ẢNH: QUYÊN LƯU

Trong đó, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử là điểm nhấn nổi bật nhất trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2024.

Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỉ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỉ đồng (tăng 440% so với năm 2023).

Nổi bật là các vụ việc kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store (tại TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) phát hiện và tạm giữ 10 tấn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu trị giá trên 1 tỉ đồng, chủ yếu bán qua hình thức livestream trên Facebook.

Vụ kiểm tra đột xuất với địa điểm kinh doanh của Công ty cổ phần tập đoàn ZENPALI, kinh doanh trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc với giá trị trên 1,1 tỉ đồng, bán trên tài khoản TikToker “Phan Thủy Tiên”, đây là một hot TikToker nổi tiếng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.