* Giá vé tàu tết Ất mùi 2015 không tăng so với năm 2014
>> Truyền hình trực tuyến chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ GTVT
|
Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Thăng vào chiều 18.11, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt câu hỏi: Đối với nước ta đâu là giải pháp đồng bộ để giá vận tải nói chung và giá cước hàng không nói riêng có mức hợp lý, cạnh tranh được với các nước, đặc biệt là khi sân bay Long Thành được xây dung?.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, để có giá cả hợp lý thì Bộ có đề án tái cơ cấu ngành GTVT. Trong đó, đang thực hiện tái cơ cấu vận tải trên từng lĩnh vực một (gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy). Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo lại thái độ phục vụ, năng lực con người trong lĩnh vực GTVT.
|
“Về hàng không thì thời gian vừa rồi đã đẩy mạnh xã hội hóa, cổ phần hóa, đặc biệt là cổ phần hóa thành công Tổng công ty Hàng không Việt Nam”, người đứng đầu Bộ GTVT nói.
Ông Thăng khẳng định: “Hiện nay, giá cước hàng không Việt Nam so với Thái Lan thì thấp hơn. Ví dụ như lấy so sánh hai đường bay tương đương nhau về lộ trình là đường bay TP.HCM - HN và đường bay Bangkok - Phuket thì giá vé TP.HCM - HN cao nhất là 2,8 triệu đồng (của Vietnam Airlines), còn của các hãng khác chỉ khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng, so với giá vé Bangkok - Phuket khoảng từ 230 – 140 USD”.
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng băn khoăn, vừa qua Bộ GTVT đang chuyển giao quyền khai thác một số công trình giao thông cho tư nhân để lấy kinh phí thực hiện dự án khác. Vậy, có đảm bảo các đơn vị được chuyển giao thu phí hợp lý và đã có bao nhiêu dự án được chuyển giao, có những quy định, ràng buộc ra sao?
|
Ông Thăng cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, nguồn lực đầu tư phát triển của Nhà nước cho giao thông ngày càng hạn chế. Vì vậy, thời gian qua đã kêu gọi đầu tư xã hội hóa cho ngành giao thông, đã đạt được khoảng 160.000 tỉ (chiếm 60% vốn đầu tư cho giao thông). Hiện tại, Bộ GTVT vẫn đang chuyển giao khai thác cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để lấy tiếp kinh phí.
“Mọi người quan tâm lỡ nhà đầu tư thu phí cao hơn, sử dụng lao động như thế nào. ĐB và người dân yên tâm, phải theo khung giá, theo quy định của Bộ Tài chính, còn với người lao động thì theo cơ chế thị trường, phải trả lương hợp lý thì người ta mới làm và đảm bảo mức lương tối thiểu theo pháp luật. Những vấn đề này chúng ta có thể kiểm soát được”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Vẫn cảnh người dân qua sông bằng túi ni-lông
Chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) đặt vấn đề hạ tầng giao thông nông thôn là hết sức cần thiết, cần được quan tâm. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông vẫn đưa tin còn những khu vực nông thôn, miền núi, người dân phải đu dây qua sông, sập cầu treo hay thậm chí chui vào bao ni-lông để qua sông. Vậy việc xây dựng hệ thống cầu treo cho nhân dân vùng cao, nông thôn miền núi đạt tiến độ đến đâu?
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong những năm qua giao thông nông thôn đã thay đổi rất tích cực, có bộ mặt mới. Tuy nhiên vẫn còn hình ảnh người dân đu dây qua sông hay qua sông bằng túi ni-lông. “Chúng tôi hết sức xúc động và chia sẻ với khó khăn của người dân”, ông Thăng nói.
Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án kế hoạch xây dựng 7.8111 cây cầu cho khu vực nông thôn, miền núi, dự kiến tổng kinh phí cần để thực hiện gần 12.000 tỉ đồng.
Ông Thăng cho rằng đây là kinh phí khá lớn nên sẽ cần phải huy động hết tất cả các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, xã hội hóa, đóng góp của các mạnh thường quân, nhân dân. “Khi đã xác định rõ được nguồn vốn thì trong 3 năm sẽ thực hiện xong những cây cầu này”, người đứng đầu Bộ GTVT phát biểu.
Trước mắt, ông Thăng cho biết sẽ đầu tư xây dựng 186 cây cầu treo cho đến tháng 6.2015.
Đại biểu và nhân dân cứ yên tâm!
Sau tai nạn sập cần cẩu gây chết người ở công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ nước nào, cũ hay mới mà sao thi công quá lâu và kinh phí quá cao.
|
“Bộ trưởng có đảm bảo an toàn không khi nguyên tuyến đường sắt chạy treo trên đầu mọi người. Có cần phải thêm các phương án đảm bảo an toàn khi vận hành không, ví dụ như cho chạy trong hộp cho nó an toàn?”, ĐB Đương hỏi.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có vốn vay ODA của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công, sử dụng công nghệ của Trung Quốc nhưng là sử dụng tàu mới nhất và công nghệ mới nhất.
“Sau tai nạn thì đã tạm dừng dự án để điều tra tổng thể. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn khi thi công và vận hành, khai thác thì sẽ tổ chức giám sát, nghiệm thu chặt chẽ. Đảm bảo “an toàn là trên hết”. Vì thế, ĐB và nhân dân cứ yên tâm đi", Bộ trưởng Bộ Thăng khẳng định.
Nguyên Mi - Trung Hiếu
>> Lạm phát' cấp phó: Bộ Nội vụ đề xuất giảm, các bộ không đồng ý
>> Truyền hình trực tuyến: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
>> Xe máy sản xuất trong nước ‘đánh bật’ xe máy nước ngoài
>> Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: ‘Doanh nghiệp trong nước vẫn kiểm soát thị trường bán lẻ’
>> Chất vấn tại Quốc hội: 'Tại sao dân phải đưa hối lộ?
>> Chất vấn tại QH: 'Có thể bán khách sạn để làm trung tâm nghề cá đủ mạnh hỗ trợ ngư dân
>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo cao cấp
Bình luận (0)