Bộ trưởng GD-ĐT: Giáo viên cần thay đổi quan niệm về sách giáo khoa

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/08/2023 16:36 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng.

Phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa

Phát biểu cuối buổi gặp gỡ giáo viên sáng nay 15.8, ngoài chia sẻ, giải đáp những tâm tư nguyện vọng của nhà  giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu những mong muốn của người đứng đầu ngành GD-ĐT với giáo viên.

Bộ trưởng GD-ĐT: Giáo viên cần thay đổi quan niệm về sách giáo khoa   - Ảnh 1.

Dạy học không phụ thuộc vào sách giáo khoa, giờ học không khuôn cứng

M.C

Một điểm quan trọng, theo Bộ trưởng Kim Sơn: "Nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Trong giai đoạn trước chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, sách giáo khoa là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. Chúng ta bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào sách giáo khoa".

 Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, sách giáo khoa là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc - đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta.

"Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng", ông Sơn nhấn mạnh và cho biết qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào sách giáo khoa. Thay đổi cần diễn ra từng bước, dần dần, không thể yêu cầu một sớm một chiều được.

Ông Sơn đề nghị giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn, cần được phát huy.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dạy các môn tích hợp có điểm vướng, điểm nghẽn, điểm khó

Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá - điều này vốn chưa từng có trước đây, trước đây là lịch trình dạy và học, cách thức kiểm tra là đồng loạt, là tuân thủ đồng nhất theo quy định.

"Bây giờ được trao quyền chủ động nhưng chúng ta phải có năng lực, kỹ năng mới sử dụng hết quyền chủ động đó được. Với trường học mang tính mở, cần tham gia cùng nhà trường xây dựng kế hoạch nhà trường, quyết định lựa chọn sách giáo khoa…", Bộ trưởng GD-ĐT nêu vấn đề.

Hiệu trưởng không phải là "ông quan" trong trường học

Ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Trong công cuộc đổi mới, tôi rất muốn nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng, người đứng đầu trường phổ thông. Hiệu trưởng là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ".

Bộ trưởng GD-ĐT: Giáo viên cần thay đổi quan niệm về sách giáo khoa   - Ảnh 2.

Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và giáo viên cả nước sáng nay diễn ra theo hình thức trực tuyến

MOET

Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, rất nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc rất nhiệt huyết, làm tốt nhưng cũng có một phần không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán… việc đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới.

Ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Cho nên mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường".

Cần kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới 

Thông điệp tôi muốn nói với các thầy, các cô hôm nay: điều chúng ta đang cần phía trước mong các nhà giáo chia sẻ với lãnh đạo bộ, đó là: Chúng ta cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta. Chúng ta cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt, dẫu khó khăn đến đâu cũng kiên trinh với nghề giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.