Sáng 1.11, tại kỳ họp 6 Quốc hội XV, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình về vấn đề thiếu giáo viên và sách giáo khoa được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong hơn 1 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội vừa qua.
Sẽ có đánh giá sâu và đề đạt sau
Về sách giáo khoa, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội có nhận định là sách giáo khoa chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận định này, theo ngành GD-ĐT, là đòi hỏi rất cao, rất trách nhiệm của Chính phủ.
"Tức là đã làm được những việc quan trọng, nhưng vẫn cần phải làm tốt thêm. Chúng tôi cũng hiểu như thế và ra sức cố gắng để thực hiện tốt", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý nghị quyết giám sát của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh, việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với 194 triệu bản sách. "Đây là ghi nhận đối với ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách", ông Sơn nói.
Về băn khoăn liên quan kinh phí chi cho đổi mới giáo dục là 213.449 tỉ đồng, ông Sơn cho biết, đây là gồm cả chi thường xuyên và cả chi cho đầu tư phát triển. Còn trực tiếp chi cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, thì chỉ hết 395,2 tỉ đồng.
Với ý kiến về việc nghị quyết giám sát của Quốc hội giao cho Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Quốc hội phương án soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, ông Sơn nói từ nay đến năm 2024, việc quan trọng cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của các sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới.
"Còn vấn đề được giao thì chúng tôi sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội", ông Sơn nói.
Tranh luận về sách giáo khoa tại quốc hội: Nghịch lý càng xã hội hóa, giá càng tăng
Sớm có điều chỉnh về lương, chế độ chính sách cho giáo viên
Về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói tính đến hôm nay, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. "Con số này tăng không ngừng, vì riêng đầu năm học vừa rồi số học sinh tăng lên rất nhiều", ông Sơn nói và dẫn chứng số liệu của đại biểu tỉnh Bình Dương cho biết, năm học mới tỉnh này tăng tới 35.000 học sinh.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho biết tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp diễn. "Đến tháng 9 này toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Năm ngoái, cùng với Bộ Nội vụ, chúng tôi cũng đã xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển giáo viên là hơn 26.000. Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, các tỉnh vẫn còn lại 64.000 chỉ tiêu chưa dùng", ông Sơn nói và cho biết, nguyên nhân là có nơi dành để giảm 10% biên chế theo yêu cầu, có nơi không có nguồn để tuyển.
"Với giáo viên mầm non chẳng hạn, nhiều tỉnh tuyển mà không có người ứng tuyển vì công việc áp lực, lương thấp. Đấy cũng là vấn đề rất lớn mà chúng ta cần phải đưa ra giải pháp", ông Sơn nêu và cho rằng, ngoài việc chuẩn bị nguồn tuyển, cũng cần điều chỉnh lương, chế độ, chính sách, nhà công vụ, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên và các giải pháp khác đồng bộ.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho biết, trong 3 năm vừa qua, ngành giáo dục cũng sắp xếp và giảm 3.033 điểm trường, song đây là giải pháp chứ không thể sắp xếp mãi được.
"Mong rằng trong thời gian các tỉnh lưu ý để tuyển hết chỉ tiêu. Bộ Nội vụ cũng đã xác định trong năm học 2023 - 2024 giao 27.800 chỉ tiêu cho các tỉnh. Đây cũng là một bước để có thể cải thiện việc thiếu giáo viên", Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)