Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ban hành quyết định về kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành giáo dục. "Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ…", quyết định nêu.
Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên (GV) công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa được tuyển dụng. Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 GV.
Nghịch lý tuyển dụng
Câu hỏi về nghịch lý "thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa" GV tại nhiều địa phương được nhiều bạn đọc (BĐ) đặt ra. BĐ Dương Tư nêu: "Có một nghịch lý ai cũng thấy nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Đó là GV thiếu nhưng sinh viên sư phạm ra trường lại thất nghiệp và phải làm nhiều việc trái ngành đào tạo".
Thử lý giải nghịch lý này, BĐ Phạm Hoan phân tích: "Tuyển dụng bằng cách nào khi mà ít có người nộp hồ sơ tham gia tuyển dụng? Hơn nữa, việc tuyển dụng GV không phải do ngành giáo dục quyết định mà do UBND các cấp, sở, phòng nội vụ".
Trên thực tế, ngay cả Bộ GD-ĐT cũng cho rằng việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Thậm chí, một số địa phương không tuyển dụng mới GV để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.
Tuyển GV các địa phương nên để Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức thi để đảm bảo công bằng, minh bạch và tuyển được hết biên chế.
Tuấn An
Những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không tuyển được GV là đúng thực tế, còn những nơi khác thì sao cũng khó khăn khi tuyển GV?
Ngọc Quỳnh
Bộ GD-ĐT có biết là các địa phương muốn tuyển đủ GV nhưng ít người dự thi không?
Vinh Phạm
BĐ Sỹ Linh tán thành yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc "khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ" nhưng đồng thời cũng nhắc đến thực tế biên chế hay điều chuyển GV lại do địa phương quyết: "Thừa thiếu cục bộ. Thế nhưng ở địa phương không làm thì cũng bó tay. Nơi thừa xin đi nơi thiếu lại không hề dễ dàng".
Cùng ý kiến, BĐ Trường nhận xét: "Bộ thì nói vậy, nhưng tuyển hay không là do địa phương. Bộ có chính sách cho GV yên tâm công tác nhưng về địa phương vẫn để GV còn hợp đồng nhiều năm mà không có chỉ tiêu tuyển dụng. Đây lại là vấn đề nhức nhối mà ngành giáo dục tự thân không giải quyết được".
Đánh giá sát nhu cầu
Trên thực tế, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024, các địa phương bày tỏ lo ngại về tình trạng đội ngũ GV còn thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển; nhất là GV các môn học chương trình mới.
Đánh giá bản chất của tình trạng thừa thiếu GV cục bộ hiện nay, BĐ Dân Dân cho rằng: "Ở các thành phố, thị xã cơ bản đã đủ GV. Còn miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu GV. Nhưng sinh viên ra trường chỉ muốn được dạy ở thành phố, thị xã. Hiện đang thiếu GV tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, mà lại thừa những môn khác. Không lẽ nhận GV những môn thừa vào dạy những môn thiếu?".
Góp ý kiến để giải quyết nghịch lý thừa thiếu GV, BĐ Minh Nghĩa phân tích: "Về góc độ chính sách, đã có hỗ trợ kinh phí cho sinh viên ngành sư phạm, đã có chủ trương đặt hàng đào tạo cho ngành sư phạm. Nếu hiện nay tiếp tục thực hiện tăng phụ cấp ưu đãi cho GV, các bên liên quan ngồi lại đánh giá sát nhu cầu để điều chỉnh định mức GV theo từng vùng miền, từng môn học, thì dần dà sẽ giải tỏa được".
Phát biểu kết luận hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng vừa qua đã ban hành được chính sách tăng phụ cấp cho nhân viên y tế, nên cần "thừa thắng xông lên" để làm ngay việc tăng phụ cấp cho GV.
Bình luận (0)