Thiếu giáo viên nhưng "tắc" nguồn tuyển
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh Yên Bái, cho biết tỉnh này đã chủ động triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và sách giáo khoa (SGK) mới. Tuy nhiên, theo lộ trình đổi mới, nhiều địa phương trong tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu rất nhiều giáo viên (GV), đặc biệt là GV môn tiếng Anh, tập trung tại các trường trên địa bàn hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Toàn tỉnh hiện mới đạt 86,5% GV so với định mức.
Theo ông Duy, tỉnh đã tìm mọi giải pháp như biệt phái GV ở vùng thấp lên vùng cao, nhận sự hỗ trợ của tỉnh Nam Định về dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh (HS)… Tuy nhiên, dù có biên chế, có chế độ thu hút 100 triệu đồng với mỗi GV tiếng Anh, nhưng chưa tuyển mới được trường hợp nào. Năm học vừa qua, khi công bố chỉ tiêu tuyển dụng GV thì số đăng ký dự tuyển chỉ đạt hơn 53% so với chỉ tiêu tuyển dụng và cũng chỉ tuyển được hơn 50% số dự tuyển.
Bí thư tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ tiếp tục giao chỉ tiêu biên chế GV đảm bảo đủ định mức, có chính sách thu hút, đãi ngộ đặc thù với GV, nhân viên vùng đặc biệt khó khăn để có thể tuyển dụng và giữ chân GV.
Đối với các bộ, ngành, ông Duy đề nghị sửa đổi, thay thế các thông tư hiện hành quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển GV miền núi. Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh mức học bổng; chế độ chính sách; trợ cấp xã hội cho HS, sinh viên.
Bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết toàn tỉnh còn thiếu 836 GV, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn. Do vậy, bà Y Ngọc đề nghị cần rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ GV công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng đội ngũ GV còn thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển; nhất là GV các môn học chương trình mới. Ông Luân kiến nghị bộ, ngành T.Ư xem xét tháo gỡ khó khăn quy định khung vị trí việc làm hiện nay vì quy định hệ số 1,2 GV/lớp với dạy học 1 buổi/ngày và 1,5 GV/lớp với 2 buổi/ngày khi áp vào chương trình GDPT mới đang triển khai là không phù hợp. Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo ngành sư phạm cũng gặp khó khăn cần tháo gỡ và có quy định đồng bộ, đặc biệt là nhà công vụ cho GV để GV yên tâm, gắn bó dạy học và công tác.
Cần kế hoạch lâu dài trong đào tạo đội ngũ
Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học VN, nêu ví dụ về việc lúng túng trong triển khai dạy học môn tích hợp thời gian qua do chưa có GV được đào tạo để dạy học môn học này và đề nghị ngành GD-ĐT phải có kế hoạch dài hơi trong đào tạo đội ngũ, đầu tư cho ngành sư phạm thật cẩn thận, bài bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT.
Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thông tin thêm hiện biên chế của ngành giáo dục năm 2021 là 1.375.715 người, trong đó khối T.Ư là 50.699, ở địa phương là 1.328.016. Khối mầm non và THPT là 1.131.001 người. Còn biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850. Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế.
Ông Cường cũng nêu thực tế nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ và thiếu cân đối cơ cấu GV giữa các môn học cùng một cấp học. Bộ Nội vụ đề nghị trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT có thể xem xét điều chỉnh định mức GV theo từng vùng miền.
Để giảm sức ép về biên chế, ông Cường cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa.
Có HS phải có GV đứng lớp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn; nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ định mức GV theo quy định; đặc biệt là GV mầm non và GV để thực hiện chương trình GDPT. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ GV, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế GV bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, bảo đảm nguyên tắc "có HS phải có GV đứng lớp". Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh nguyên tắc này phải phù hợp về sĩ số HS/lớp, phải làm tốt bài toán quy hoạch trường lớp, có hệ thống trường nội trú cho HS dân tộc, HS ở vùng sâu, vùng xa để không lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng cho rằng vừa qua đã ban hành được chính sách tăng phụ cấp cho nhân viên y tế, lẽ ra cần phải "thừa thắng xông lên" để làm ngay việc tăng phụ cấp cho GV. Do vậy, thời gian tới các bộ, ngành cần đẩy nhanh hơn việc tăng phụ cấp cho GV.
Nhân dịp chuẩn bị năm học mới, Thủ tướng cũng gửi gắm chia sẻ và yêu cầu tới đội ngũ nhà giáo: "Nhiệm vụ "chấn hưng giáo dục", thực hiện sự nghiệp "trồng người" rất vẻ vang nhưng cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành cùng giải quyết những khó khăn, thử thách của ngành giáo dục, cũng như của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Cả nước còn thiếu 118.253 GV
Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 GV, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện KT-XH khác nhau; tình trạng thừa, thiếu GV còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục); chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Hà Nội, TP.HCM đề nghị cơ chế đặc thù về chuẩn trường học
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và TP.HCM đều kiến nghị có cơ chế đặc thù để giải quyết bài toán quá tải trường lớp do tốc độ dân số tăng cơ học quá nhanh.
Bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 HS, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất, nên đề nghị các cấp xem xét cho phép thành phố sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu HS thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên HS. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng. Đồng thời, cho phép xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.
Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các thầy cô giáo và HS có định hướng cho hoạt động dạy, học và ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh HS.
"Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo thầy cô giáo, HS, phụ huynh. Đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp, đảm bảo nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực và nâng cao chất lượng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)