Thường vụ Quốc hội giám sát về đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/08/2023 13:35 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại phiên họp 25 dự kiến khai mạc vào ngày 14.8.

Theo dự kiến chương trình phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thường vụ Quốc hội giám sát về đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào tuần tới

NHẬT THỊNH

Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, ngoài 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh là phó trưởng đoàn thường trực.

Trong báo cáo kết quả giám sát, đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều vấn đề trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, từ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá chất lượng giáo dục cho tới các vấn đề liên quan sách giáo khoa, đội ngũ nhà giáo…

Trong đó, liên quan tới sách giáo khoa, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mức chiết khấu với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay là quá cao và đề nghị Chính phủ đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của mức chiết khấu trong chi phí phát hành sách giáo khoa lên giá sách giáo khoa hiện nay.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ đánh giá việc tiếp tục giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa sử dụng nguồn ngân sách để bảo đảm thực hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách giáo dục - đào tạo.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc quản lý nội dung sách giáo khoa, giá sách giáo khoa, trang bị sách cho mượn tại thư viện các trường, tổ chức dịch sách giáo khoa từ tiếng Việt ra 8 tiếng dân tộc thiểu số; biên soạn sách chữ nổi cho người khiếm thị và cung cấp sách giáo khoa cho học sinh và thư viện các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo…

Về đội ngũ nhà giáo, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp để giải quyết tình trạng bất cập về cơ cấu giáo viên (dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ); thiếu giáo viên ở nhiều địa phương nhưng không tuyển được, đặc biệt là giáo viên dạy các môn học nghệ thuật ở bậc THPT; một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển khỏi ngành.

Theo đoàn giám sát, nguyên nhân chủ yếu là do việc xác định định mức giáo viên chưa phù hợp; chế độ tiền lương, phụ cấp với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên mới... rất thấp, không tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo của giáo viên, chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Cũng liên quan tới hoạt động giám sát, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến kế hoạch 4 chuyên đề giám sát trong năm 2024, bao gồm: việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 - 2023; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 - 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.