Trong phần báo cáo chung của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sáng 4.6 trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng đã cảm ơn dư luận xã hội quan tâm đến việc “thu phí”, “thu giá” và cho biết sẽ sớm tìm một cái tên phù hợp và báo cáo Chính phủ để chính thức sử dụng tên này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị cứ dùng tên cũ, vì báo cáo Chính phủ thì “lâu lắm”.
Cũng trong 5 phút báo cáo nhanh, phần lớn thời gian Bộ trưởng dùng để cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân, truyền thông đến ngành giao thông và nhận trách nhiệm trước những điểm còn yếu kém của ngành.
Khẳng định “trách nhiệm giải trình của Bộ là trách nhiệm quan trọng nhất để nhân dân cả nước giám sát hoạt động của ngành giao thông vận tải”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận một số yếu kém như do ngân sách có hạn, nên hạ tầng và việc đảm bảo an toàn giao thông có nhiều hạn chế; không phát triển đồng đều giữa các vùng miền.
Hệ thống đường sắt không được quan tâm đúng mức nên rất yếu kém. Đường thủy nội địa lẽ ra phải được phát triển tốt nhưng do quan tâm chưa đúng mức nên vai trò còn hạn chế.
Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp
BOT là một chủ trương đúng, phù hợp thực tiễn vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao, nhưng bên cạnh đó còn bất cập trong quản lý, đấu thầu, tổ chức khai thác đảm bảo hài hòa lợi ích người dân - nhà nước - doanh nghiệp.
Là người đầu tiên được mời đặt câu hỏi trong 36 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ chênh lệch số năm thu phí giữa dự toán và kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (đến nay đã chênh lệch khoảng 217 năm qua kiểm toán gần 67 dự án được công bố - phóng viên), hướng khắc phục vấn đề thu phí trên quốc lộ 1 vốn gây ồn ào suốt năm qua.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Kết quả kiểm toán là rất đúng, nhưng Bộ Giao thông vận tải cũng không làm sai”.
Lý giải việc này, Bộ trưởng cho biết thời gian qua Bộ ký hợp đồng trên cơ sở dự án BOT được duyệt, trong đó có nhiều khoản dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng, dự kiến kinh phí giải phóng mặt bằng và các khoản chi phí có thể phát sinh khác, nên dự toán lớn.
Để đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán trước khi quyết toán.
Theo Bộ trưởng, trong 56 trạm BOT đang thu, hiện Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.
Để đảm bảo lợi ích của người dân - nhà nước - doanh nghiệp, trong hợp đồng BOT đã có điều khoản giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.
Do vậy, “việc chênh lệch lớn là hiển nhiên; dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, khối lượng thì số dự phòng là số chênh lệch năm thu phí sau kiểm toán”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Bình luận (0)