Bộ trưởng GTVT: ‘Nhà thầu sợ làm giá cao, thanh toán giá thấp’

Mai Hà
Mai Hà
09/06/2022 13:09 GMT+7

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, một số nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ giá giảm. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tường minh cho rõ, tránh hiểu nhầm nhà thầu làm công trình cho nhà nước nhưng giá tăng nên thua lỗ.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng nay, 9.6, nhiều đại biểu nêu vấn đề về giá vật liệu tăng nhanh, khan hiếm vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Thể, giá xăng dầu, nguyên vật liệu thi công đang tăng nhanh do ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine. Bộ GTVT cũng đã làm việc với Bộ Xây dựng, hiện có 37 địa phương thông báo giá hàng tháng, còn lại thông báo giá 3 tháng/lần.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn sáng 9.6

gia hân

“Nhưng giá biến động nhanh, cơ chế vận hành chậm, ảnh hưởng đến nhà thầu thi công. Bộ cũng phối hợp với địa phương nắm diễn biến công trường, tổ chức nghiệm thu thường xuyên để cập nhật giá sát với thực tiễn. Chúng tôi sẽ kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để không có tình trạng lợi dụng, nhưng cũng giúp nhà thầu không bị thiệt thòi”, ông Thể nói.

Với việc khan hiếm nguồn vật liệu, theo lãnh đạo ngành giao thông, các dự án tại miền Trung và miền Nam đã lập hồ sơ tất cả các mỏ vật liệu để đưa vào quy hoạch. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ làm việc với An Giang, Đồng Tháp để hỗ trợ nguồn cát cho các tỉnh. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang phối hợp Bộ TN-MT nghiên cứu các phương pháp xử lý cát biển (1 tỉ m3) để sử dụng thay thế, hỗ trợ.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc Bộ trưởng GTVT cần “nói cho tường minh”, tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm do tăng giá vật liệu, nhà thầu nói nếu làm thì không đủ phương án tài chính.

“Thực tế như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và như Quốc hội nắm được, đối với các dự án này, các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá, chậm ở đây là do thủ tục, quy trình thôi, hay là các nhà thầu thiệt thòi. Phải nói cho rõ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Ông cũng cho rằng, dư luận và nhân dân nghĩ rằng ký hợp đồng và chọn nhà thầu xong mà giá cao thì nhà thầu thế nào, phải tường minh cho rõ tránh gây hiểu nhầm nhà thầu làm công trình cho nhà nước, nhưng giá tăng nên bị thua lỗ, trong khi thực tế hoàn toàn không có chuyện này.

Về vấn đề sử dụng cát biển lấp nền đường, Bộ GTVT phải nghiên cứu như thế nào về tiêu chuẩn, định mức, thiết kế...

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt vấn đề về giá vật liệu tăng làm ảnh hưởng tiến độ các dự án

gia hân

Giải đáp thêm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện các bộ ngành đang rà soát lại kinh nghiệm thế giới về việc sử dụng cát biển trong thi công. Ngoài ra, căn cứ vào tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ xây dựng quy trình, làm thử nghiệm đánh giá, xây dựng đơn giá định mức mới áp dụng đại trà hay không. “Sẽ làm đúng chứ không làm máy móc, không để xảy ra tình trạng nhiễm mặn”, lãnh đạo Bộ GTVT cam kết.

Xử lý cả nhà thầu, ban quản lý dự án

Cũng theo tư lệnh ngành giao thông, các dự án lớn đều có cơ chế điều chỉnh giá, vấn đề là có kịp thời hay không, do sự phối hợp địa phương và các bộ ngành. “Tâm lý nhà thầu sợ làm giá cao, thanh toán giá thấp. Thông báo của địa phương rất quan trọng, nếu sát và kịp thời sẽ giúp thanh quyết toán cho nhà thầu”, ông Thể nói.

Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) băn khoăn việc liệu nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng vì giá vật liệu tăng cao không?

Thừa nhận một số nhà thầu có tâm lý chần chừ, trông chờ vật tư, vật liệu xuống giá, song theo ông Thể, quan điểm của Bộ là rất nghiêm khắc. “Phải có trách nhiệm với ngân sách, không được có tâm lý chần chừ. Bộ GTVT đã giao Ban QLDA kiểm soát nhật kỳ công trình, nghiệm thu cơ sở để thanh quyết toán và nghiệm thu theo thời gian thực”, ông Thể nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng dẫn ra ví dụ dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khi giá cát tăng cao, nhà thầu làm chậm, Bộ GTVT đã cắt hợp đồng với một số nhà thầu, cấm tham gia vào các công trình giao thông trong cả nước. Tương tự, dự án cao tốc tại Bình Thuận cũng đã cắt khối lượng thi công 16 km của nhà thầu chậm thi công.

“Không chỉ nhà thầu, Ban quản lý dự án nào không nắm được khó khăn của nhà thầu, chậm xử lý các vấn đề phát sinh cũng đều bị xử lý. Trước đây dự án khó khăn do tiền nhỏ giọt, nhưng nay đầy đủ rồi, không có lý do gì để chậm”.

Bộ trưởng GTVT cũng nhận trách nhiệm về việc một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng, chậm giải quyết các vấn đề BOT.

Bao giờ dừng thu trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài?

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho biết có nhiều ý kiến phản đối trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, cả trên không gian mạng thực tế; hàng ngày, hàng giờ, lực lượng công an đã phải xử lý giải quyết các vụ việc rất phức tạp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện nay chỉ có 2 giải pháp: nếu kết thúc sớm, trước khi kết toán theo hợp đồng để nhà đầu tư thu hồi được vốn, có lợi nhuận theo quy định, cần cho phép nhà đầu tư thu phí để giám sát và kết thúc, đây là giải pháp đang làm. Giải pháp thứ hai là phải mua lại một phần dự án, vì theo hợp đồng đã ký, qua giám sát, đến thời điểm này, nhà đầu tư chưa thu hồi toàn bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.