Bộ trưởng GTVT: Sửa nghị định về đăng kiểm có siết, phải có 'mở'

Mai Hà
Mai Hà
31/03/2023 16:04 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 139 về đăng kiểm sẽ góp phần xử lý triệt để các tồn tại của đăng kiểm, trên cơ sở siết lại đăng kiểm nhưng vẫn phải "mở" để đảm bảo sự cân bằng cung - cầu.

Sáng nay 31.3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban quý 1 của Bộ GTVT.

Liên quan đến vấn đề đăng kiểm, Bộ trưởng Thắng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, góp phần xử lý triệt để các tồn tại của đăng kiểm.

Bộ trưởng GTVT: Sửa nghị định về đăng kiểm có 'siết', phải có 'mở' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu ngành đăng kiểm sớm sửa đổi Nghị định 139

ĐÌNH HUY

Theo đó, việc nghiên cứu sửa đổi tập trung theo hướng mở rộng hoạt động đăng kiểm. Cơ chế quản lý có cái siết để việc phát triển trung tâm đăng kiểm không rơi vào tình trạng "thả nổi" nhưng phải có cái "mở" phù hợp để đảm bảo sự cân bằng cung - cầu.

"Mạng lưới trung tâm đăng kiểm cũng cần tập trung vào các thành phố lớn, có nhu cầu cao như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Quá trình thực hiện, trung tâm nào vi phạm sẽ yêu cầu đóng cửa ngay", Bộ trưởng nói.

Tiền đã có sẵn, tập trung giải ngân

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 3 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 17.000 tỉ đồng. Tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong 2 bộ, cơ quan T.Ư và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý các đơn vị "không được vội mừng". Giá trị giải ngân đạt được tập trung phần lớn vào tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Thách thức đặt ra trong tháng 4 và các tháng tiếp theo là chủ đầu tư, nhà thầu phải đổi mới cách làm, tập trung nguồn lực để hoàn ứng và tạo ra khối lượng giải ngân mới, tuyệt đối không được chủ quan.

"Tư lệnh" ngành GTVT cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án cao tốc thành phần Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 4 theo đúng kế hoạch.

Đối với các dự án có kế hoạch về đích trong năm 2023 và dự án trọng điểm đang thực hiện, các đơn vị cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

"Nếu không chủ động tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo, các ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ GTVT. Tiền đã có sẵn, yêu cầu là phải tập trung làm, đổi mới cách làm. Các hạng mục quyết định đến tiến độ như hầm, cầu phải được ưu tiên giải phóng mặt bằng; phạm vi mặt bằng thuận lợi cần được thi công cuốn chiếu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa", Bộ trưởng Thắng chỉ đạo.

Riêng các dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các tuyến Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, ông Thắng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30.6 theo yêu cầu.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.