Ngày 31.3 công bố kết quả rà soát 95 ứng viên giáo sư, phó giáo sư
Với việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá, có hiện tượng các hội đồng ngành sàng và lọc chưa chuẩn. Do vậy, Hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư nhà nước đã yêu cầu rà soát lại. Hội đồng đã thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra, không chỉ làm việc với từng hội đồng ngành mà thậm chí còn làm việc, đối thoại trực tiếp với từng ứng viên để đôi bên đều “tâm phục, khẩu phục”. Ông Nhạ cho biết, theo kế hoạch, ngày 31.3, công tác thanh tra, kiểm tra này sẽ kết thúc và công bố kết quả một cách công khai, minh bạch. "Dứt khoát chỉ công nhận những ứng viên đủ điều kiện, ứng viên nào không đủ điều kiện thì không công nhận, bất cứ ứng viên đó là ai", ông Nhạ khẳng định |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Không thể chấp nhận việc ép giáo viên quỳ gối'
28/03/2018 15:59 GMT+7
Giáo viên liên tục bị phụ huynh ép quỳ gối , những lùm xùm xung quanh việc phong giáo sư và phó giáo sư năm 2017,… là những vấn đề mà Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương giải quyết.
Sáng nay (28.3), trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng tại Bộ GD-ĐT, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ này.
Cho biết Thủ tướng đánh giá cao những thành tích Bộ GD-ĐT đạt được trong thời gian vừa qua, như kết quả các cuộc thi Olympic trong nước và quốc tế, kỳ thi THPT quốc gia 2017, kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới về đổi mới giáo dục ,… ông Mai Tiến Dũng đồng thời nhấn mạnh những những vấn đề “nóng”, còn tồn tại của ngành này, mà Thủ tướng đặc biệt quan tâm, đề nghị Bộ GD-ĐT giải thích và đưa ra các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Về sự kiện 500 giáo viên hợp đồng ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ mất việc làm, có những giáo viên hợp đồng hơn 10 năm vẫn không được nhận chính thức..., truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng cho biết, đây không phải là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, nhưng Bộ cần quan tâm và đề xuất giải pháp để giải quyết. Thực trạng khủng hoảng thừa giáo viên cần có định hướng chỉ đạo ở tầm vĩ mô, tránh tình trạng lợi dụng cơ chế để "chạy" hợp đồng, "chạy" biên chế.
Nhắc đến hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội gần đây liên quan đến phẩm chất, đạo đức và danh dự của nhà giáo, như giáo viên ép học sinh học thêm, bạo lực học đường, xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên liên tục xảy ra, ông Dũng cho hay Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải có cảnh báo, có giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dứt điểm tình trạng này.
“Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 bóp cổ giáo viên hay liên tục những vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo thời gian gần đây như phụ huynh ở Long An, ở Nghệ An bắt giáo viên quỳ gối. Đây là những câu chuyện không thể chấp nhận được khi đối xử với giáo viên, nghề cao quý như vậy”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Xung quanh vấn đề công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, với 95 ứng viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đang phải xem xét, rà soát lại, ông Dũng cũng dẫn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải giải trình công khai kết quả rà soát để dư luận hiểu đúng và đầy đủ vấn đề.
Sẽ tăng cường “dạy người”
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ luôn đau đáu với vấn đề đội ngũ giáo viên, không chỉ trong suy nghĩ, mà đã có những hành động cụ thể. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã làm việc với 63 tỉnh thành, rà soát lại toàn bộ cơ cấu đội ngũ giáo viên hiện có, thừa thiếu ra sao cả về số lượng và chất lượng để cùng với các địa phương đưa ra những giải pháp phù hợp, một trong những giải pháp tới đây là thực hiện chủ trương đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu sử dụng, nâng chất lượng đầu vào của trường sư phạm...
Về những vấn đề liên quan đến lương giáo viên, ông Nhạ khẳng định: “Chúng tôi vẫn kiên định chủ trương phải cải thiện đồng lương cho giáo viên”.
Vấn đề đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, ông Nhạ cho rằng, việc rà soát văn bản quy định cho thấy về cơ bản đã khá đầy đủ, nhưng yếu nhất là việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là sự chuyển biến trong các nhà trường. Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng, ông Nhạ khẳng định tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo giải quyết rất mạnh vấn đề này, coi đây là vấn đề ưu tiên với bậc phổ thông.
Tuy nhiên, theo ông Nhạ, đây là vấn đề có tính chất xã hội, nên cần có thời gian, bên cạnh cố gắng của ngành về dạy kiến thức thì cũng cần dành thời gian, tăng cường dạy người.
Bình luận (0)