Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: 'Tiền nhiều hay ít không quan trọng, cơ bản là cách cho'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/06/2024 14:45 GMT+7

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nói nguồn cho chương trình mục tiêu phát triển văn hóa không quan trọng ở tiền nhiều hay ít mà ở cách tiếp cận, không nên coi đây chỉ là một dự án đầu tư công.

Cuối sáng 19.6, giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa 2025 - 2035, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nói chưa có một ngành, lĩnh vực nào mà có tới 500 định nghĩa khác nhau như lĩnh vực văn hóa.

Do đó, theo ông Hùng, để xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa không đơn giản, vì nó rất rộng, chứ không chỉ là một chương trình đầu tư công. 

"Nếu chỉ là chương trình đầu tư công cho một dự án đầu tư công chắc sẽ dễ hơn rất nhiều. Quả thực khó. Khó nhưng vẫn phải làm", ông Hùng nói, và nhắc lại quan điểm phải đặt văn hóa ngang hàng với chính trị. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: 'Tiền nhiều hay ít không quan trọng, cơ bản là cách cho'- Ảnh 1.

Bộ trưởng VH-TT-DL giải trình về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030

GIA HÂN

Theo Bộ trưởng Hùng, hôm nay Quốc hội bàn nhưng Quốc hội kỳ sau mới triển khai thực hiện. "Trong phạm vi nào đó, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta đang vượt qua tư duy nhiệm kỳ để làm một việc lớn của đất nước", ông Hùng nhấn mạnh. 

Ông cũng cho hay, trong thực tế Quốc hội từng quyết định những dự án đầu tư 147.000 tỉ năm 2022 (cao tốc Bắc - Nam phía đông) "rất nhẹ nhàng", thông qua không có vấn đề gì. "Điều đó cho thấy vấn đề chúng ta nhận thức và tiếp cận theo hướng nào để bàn thảo", ông Hùng nói thêm.

Giải trình trực tiếp vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, ông Hùng khẳng định, khi xây dựng chương trình đã nghiên cứu rất kỹ, tiếp thu, kế thừa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà Quốc hội đã phê duyệt để xây dựng các nội dung thành phần cần thực hiện của chương trình. 

Với các ý kiến cho rằng cần có danh mục các dự án cụ thể, ông Hùng nói sẽ làm việc lại với Bộ KH-ĐT là cơ quan chủ trì thẩm định của chương trình. "Nếu có danh mục cụ thể thì đó là trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành mới đưa lên được. Chúng tôi không thể tự vẽ ra danh mục cho địa phương, đơn vị được. Vì thế, sau khi Quốc hội có nghị quyết thì mới triển khai cái này chứ hôm nay đòi hỏi có dự án nào, sửa cái gì thì không thể có ngay được", ông Hùng nêu rõ.

"Cơ bản là cách cho chứ không phải cho bao nhiêu"

Về vấn đề nguồn lực đầu tư cho chương trình được nhiều đại biểu có ý kiến, ông Hùng nêu quan điểm: "Tiền nhiều hay ít không quan trọng. Như cha ông mình hay nói, cơ bản là cách cho chứ không phải cho bao nhiêu. Cách nhìn của chúng ta là như thế".

Ông cho biết, khi xây dựng chương trình, Bộ VH-TT-DL đã dựa vào số liệu của Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và tính toán theo lộ trình các nguồn thu để dự kiến cho phù hợp và tương thích. "Cho nên, chúng tôi nghĩ không phải vấn đề quá lớn nếu đại biểu có sự cảm thông, chia sẻ nguồn lực", ông Hùng cho hay.

Về các ý kiến đối với đề xuất xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ông Hùng cho hay, đề xuất này là nhằm tuân thủ Hiến pháp khi Hiến pháp quy định mọi người Việt Nam đều có quyền hưởng thụ tiếp cận giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa. 

Theo Bộ trưởng Hùng, Quốc hội các khóa trước đã cho phép xây dựng Trung tâm văn hóa ở Pháp 252 tỉ đồng, Trung tâm văn hóa ở Lào 190 tỉ đồng. "Các trung tâm này hoạt động rất tốt, có lẽ vì đại biểu chưa có điều kiện tiếp cận", ông Hùng nói.

Bộ trưởng phản ánh, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là nơi dạy tiếng Việt, là ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam, là nơi để truyền bá các giá trị văn hóa. "Ngày 19.5 vừa qua, kỷ niệm sinh nhật Bác, toàn những em bé ngoại quốc hát bài hát bằng tiếng Việt Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, thật sự xúc động và thấy được giá trị văn hóa của Việt Nam, rất ý nghĩa", Bộ trưởng VH-TT-DL chia sẻ.

Bộ trưởng Hùng cũng cho biết, bộ không đề xuất xây dựng ở tất cả các nước mà chỉ ở nơi có cộng đồng nào đông người Việt Nam và sau này Chính phủ báo cáo Quốc hội các dự án cụ thể. 

Trong khi đó, về tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương cho chương trình dự kiến là 24,6%, ông Hùng giải thích đây là tỷ lệ chung và đã tính toán đến yếu tố đặc thù của địa phương. Ông dẫn ví dụ, Hà Nội trong 2 năm gần đây quyết 15.900 tỉ cho vấn đề nâng cấp, tôn tạo di tích, tỷ lệ này rất cao. TP.HCM cũng tương tự. 

"Tôi nghĩ việc đó cho phép chúng tôi điều chỉnh, tính toán để làm cho cụ thể, không phải là cào bằng 24,6% ở địa phương khó cũng như địa phương có điều kiện", ông Hùng nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.