Chiều 7.6, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) phản ánh tình trạng vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, đến nay, một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.
Đại biểu nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT. Sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm, Bộ GTVT đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk), gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp khiến doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản.
Phúc đáp đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, trong đó có phát triển hạ tầng giao thông thì “không tính toán hết được”.
Theo ông Thắng, ban đầu nhu cầu hạ tầng giao thông lớn, nguồn lực có hạn nên mời gọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến khi kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng các quy hoạch chiến lược, thấy rằng cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối nên rất nhiều dự án bị ảnh hưởng.
"Báo cáo các đại biểu là sắp tới hoàn thành toàn bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông thì nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng vì chia sẻ lưu lượng. Chẳng hạn, vừa rồi khánh thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, riêng tháng vừa rồi trạm BOT trên QL1A tại Bình Thuận đã giảm 83% lưu lượng, vì người dân đi các tuyến mới thì vừa nhanh, vắng lại không mất tiền.
Vì thế, trong luật PPP đã thiết kế, khi dự án BOT của doanh nghiệp nếu lợi nhuận vượt qua 125% thì nhà đầu tư chia sẻ lại cho Nhà nước; ngược lại, nếu lợi nhuận thấp hơn 75% dự kiến thì Nhà nước chia sẻ", ông Thắng nói.
Riêng với dự án tại TX.Buôn Hồ, Bộ trưởng Bộ GTVT nói sẽ ghi nhận ý kiến đại biểu để tham mưu, sớm có phương án xử lý.
Bộ trưởng GTVT: 'Chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không tính toán hết được'
Sớm là đến bao giờ?
Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Thắng, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, trước đó, phó thủ tướng đã chỉ đạo và kết luận vào tháng 4.2022 nhưng đến nay qua hơn 1 năm chưa có phương án giải quyết. Trong văn bản của Bộ GTVT trả lời cử tri Gia Lai cũng đều khẳng định sẽ sớm giải quyết, nhưng không nêu thời điểm cụ thể.
“Đề nghị bộ trưởng cho biết, sớm là đến bao giờ?”, đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn.
Cũng cho rằng trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT “không thuyết phục”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) nói từ năm 2018, Bộ GTVT đã cam kết giảm giá vé qua trạm BOT cho người dân trong bán kính 5 km, sau đó Bộ GTVT cũng đã đề xuất mua lại trạm BOT này.
“Tại phiên chất vấn này, bộ trưởng khẳng định chờ đến khi nào có kinh phí sẽ mua. Tôi cho rằng trả lời như vậy là không thuyết phục. Đề nghị bộ trưởng cho biết lộ trình cụ thể?”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nói, đồng thời cho rằng, ít nhất cũng phải thực hiện cam kết trước đây là giảm giá phí cho người dân địa phương.
Nhiều đại biểu cũng chất vấn liên quan tới các dự án BOT giao thông đang vướng mắc trên cả nước. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu thực trạng nhiều dự án BOT trên cả nước đang vướng mắc chưa giải quyết được, đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm, giải pháp sắp tới là gì?
Vướng mắc rất nhiều
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai việc này nhưng vướng mắc rất nhiều, đặc biệt liên quan hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư.
“Nhà nước, doanh nghiệp cũng phải bình đẳng khi đặt bút ký hợp đồng. Chúng tôi khi xử lý rất cố gắng nỗ lực, có cái xử lý được, có cái phải tiếp tục đàm phán, không chỉ đàm phán với nhà đầu tư mà đàm phán với ngân hàng để giảm lãi suất, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư”, ông Thắng nêu thực tiễn.
Theo ông Thắng, nhiều dự án không phải do lỗi nhà đầu tư, cũng không phải của Nhà nước mà do kinh tế - xã hội phát triển, do nhu cầu thực tiễn phát sinh.
Nhắc tới việc sẽ trình nội dung Nhà nước mua lại 8 dự án BOT, ông Thắng nhấn mạnh tất cả phải làm theo quy trình.
“Bộ GTVT là cơ quan quản lý chứ Bộ GTVT cũng không có tiền. Chúng tôi đang làm hết sức mình để làm sao tháo gỡ một cách triệt để, bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hiện nay đang đầu tư các dự án BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng”, ông Thắng nói, và cho biết, có nhiều trạm BOT làm xong rồi nhưng không được thu phí, dân không đồng ý thu phí thì nhà đầu tư cũng phải chịu.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, căn cứ các hợp đồng đã ký thì khi mức doanh thu ảnh hưởng đến mức độ nào, Nhà nước phải mua lại. Đây là điều khoản điều kiện trong hợp đồng, không phải dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng GTVT trả lời chất vấn bức xúc của đại biểu: “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu”
Bình luận (0)