|
Ông Tan cho biết nhiều người đã phản ánh với ông về vụ nam du khách Phạm Văn Thoại bị lừa khi mua iPhone 6 ở cửa hàng Mobile Air, theo tờ The Straits Times (Singapore) ngày 6.11.
“Nhiều người phản ánh với tôi về vụ việc ở Sim Lim Square. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các bạn. Tôi bị sốc trước hành động lừa đảo này”, ông Tan viết trên Facebook.
Ông Tan cho rằng chính quyền Singapore nên điều chỉnh một số luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.
Phạm Văn Thoại (28 tuổi) mua một iPhone 6 để làm quà sinh nhật cho bạn gái tại cửa hàng Mobile Air. Sau khi ký hợp đồng xong, Mobile Air đòi anh Thoại trả thêm 1.500 SGD (25 triệu đồng) phí bảo hành, nếu không trả thì không giao máy và mất 950 SGD, The Straits Times đưa tin ngày 4.11.
Vì không thể trả nổi phí bảo hành, anh Thoại quỳ gối khóc xin nhân viên và ông Chew trả lại số tiền mà anh làm lụng vất vả mới kiếm được. Sau đó, anh Thoại chỉ được trả lại 400 SGD khi cảnh sát vào cuộc.
Bức xúc trước vụ lừa đảo này, một người Singapore tên Gabriel Kang đã lên trang Indiegogo kêu gọi quyên góp ít nhất 1.350 USD (28,6 triệu đồng) để mua một chiếc iPhone 6 cho Thoại. Chiến dịch quyên góp giúp Thoại trên trang Indiegogo bắt đầu từ ngày 4.11 và sẽ kết thúc vào ngày 12.11. Đến ngày 7.11, tổng số tiền quyên được lên đến 12.300 USD.
Được biết, Thoại đã từ chối nhận số tiền quyên góp này sau khi được một doanh nhân cho 550 SGD và anh đã dùng số tiền này để mua điện thoại.
Cư dân mạng Singapore trong những ngày qua đã lên án hành động lừa đảo của ông Chew, cho rằng nó đã ảnh hưởng đến danh tiếng của Singapore.
Trên trang The Real Singapore (Singapore) ngày 5.11, một nhân viên giấu tên từng làm việc cho Mobile Air thừa nhận ông Chew đã sử dụng chiêu lừa đảo này với nhiều khách hàng khác. Sở dĩ ông Chew lừa được nhiều du khách nước ngoài đến mua điện thoại tại Mobile Air vì cửa hàng này bán điện thoại với giá rẻ nhất ở Sim Lim Square, cựu nhân viên Mobile Air tiết lộ. Vì bán giá rẻ và muốn kiếm nhiều lợi nhuận, ông Chew đã tung chiêu ký hợp đồng mua điện thoại, trong đó có khoản tiền bảo hành cắt cổ, thường được các nhân viên lấy ngón tay che lại. Lợi dụng khách hàng sơ hở ký tên vào hợp đồng, ông Chew trở mặt, chỉ vào hợp đồng đòi tiền bảo hành, nếu không trả sẽ không hoàn tiền và không giao máy, theo lời kể của cựu nhân viên Mobile Air. |
Phúc Duy
>> Du khách Việt từ chối nhận tiền quyên góp trên 10.000 USD
>> Một người Singapore kêu gọi quyên tiền mua iPhone 6 cho du khách Việt ‘bị lừa’
>> Chỉ nên đến Sim Lim nếu... giỏi kungfu
Bình luận (0)