Bộ trưởng Quốc phòng làm rõ các nội dung trong dự luật Phòng không nhân dân

Mai Hà
Mai Hà
31/10/2024 06:40 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề xuất thay thế từ 'địch' bằng 'hành vi' song theo Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang, khi đã xâm phạm thì rõ ràng là hành động chứ không còn là hành vi, cần phân định rõ 'địch' và 'ta'.

Chiều 30.10, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Phòng không nhân dân. Góp ý thêm về từ ngữ, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho biết, dự thảo luật nêu "huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu phòng, chống địch đột nhập, tiến công đường không".

Bộ trưởng Quốc phòng làm rõ các nội dung trong dự luật Phòng không nhân dân- Ảnh 1.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa)

ẢNH: GIA HÂN

Theo ông, từ "địch" là ngôn ngữ của quốc phòng, chính trị. Từ "địch - ta" đã quá quen thuộc, nhưng khi đưa vào văn bản luật thì nên sử dụng từ "hành vi" - hành vi tấn công, hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, hành vi xâm phạm vùng trời và hành vi thâm nhập vào những vị trí cần bảo vệ.

Lý do khi dùng từ ''hành vi'' thì rõ với ngôn từ lập pháp và ai cũng hiểu. Nhưng nếu dùng từ "địch" thì phải giải thích thế nào là "địch", mặc dù ai cũng hiểu "địch'' không phải là ''ta".

Bộ trưởng Quốc phòng làm rõ các nội dung trong dự luật Phòng không nhân dân

Có nên xem xét đối tượng áp dụng?

Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), quy định việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp chưa phù hợp.

Ông cho rằng, quy định này chỉ phù hợp với nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn của quốc gia, bởi đây là những mục tiêu có thể sẽ bị địch đánh phá ngay trong giai đoạn đầu chiến tranh.

Với các doanh nghiệp khác, nhân sự sẽ vừa phải thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Các nhiệm vụ này chiếm một thời gian nhất định khiến người lao động không tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn.

"Việc tổ chức lực lượng phòng không thời bình đi kèm với nhiệm vụ bồi dưỡng, huấn luyện phòng không nhân dân thì sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm cao điểm về sản xuất, kinh doanh", ông Huy nói và đề nghị thu hẹp đối tượng áp dụng.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì đề nghị quy định khi người lao động tại doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được doanh nghiệp chi trả tiền công và tiền lương.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho rằng, đối tượng áp dụng không chia doanh nghiệp nhỏ hay lớn như băn khoăn các đại biểu. Mục đích quân sự đánh vào nhà máy, xí nghiệp, công xưởng - nếu có ý nghĩa quan trọng sẽ tiến công tiêu diệt, chứ không phải cứ to mới đánh.

Về các khái niệm, các nội dung "sẽ nghiên cứu làm sao dễ hiểu, dễ nghe nhất", đại tướng Phan Văn Giang nêu.

Bộ trưởng Quốc phòng làm rõ các nội dung trong dự luật Phòng không nhân dân- Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang

ẢNH: GIA HÂN

"Dùng từ "địch" từ "hành vi", đây là một luật chuyên ngành tương đối hẹp. Chúng tôi phân tích rõ "địch", "ta", còn từ "hành vi" chưa rõ ràng. Đây là hành động chứ không thể còn là "hành vi". Tôi rất mong đại biểu chia sẻ với tôi điều này. Một là một, hai là hai", Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh.

Đại tướng Phan Văn Giang cũng giải thích thêm về quy định trong dự thảo, trong đó có nội dung nhiệm vụ phòng không nhân dân là phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.