Theo ông Vân, cần có 3 chính sách đặc thù: thứ nhất là đặc thù trong thu hút lao động, việc làm, vị trí việc làm; thứ hai là đặc thù trong tiền lương và bảo hiểm xã hội; đặc thù thứ ba là thu hút nhân tài.
Ông Vân đề xuất trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh cần tính đến yếu tố rủi ro. "Phải có một cơ chế xử lý rủi ro đối với việc đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước", ông Vân nêu.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thể "đặt hàng" với các cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp an ninh trong tình thế cấp bách, thì thủ tục hành chính cũng phải đặc biệt.
Ông Vân cũng đề xuất dự thảo luật cần có riêng một chương về khen thưởng. Theo đó, sẽ khen thưởng với những ai có đóng góp, cống hiến lớn với công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Có cơ chế xử lý, có chế tài với những ai vi phạm, cản trở hoạt động của pháp nhân tham gia vào công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Giải trình cuối phiên thảo luận, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh việc thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng an ninh rất cần thiết, nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, có tính mới, rủi ro cao.
"Rất nhiều nước nghiên cứu và bây giờ đã lạc hậu rồi, có khi chưa sử dụng", đại tướng Phan Văn Giang nói và ví dụ, trước tháng 2.2022, trên thế giới và các nước, trong đó có Việt Nam đều nghiên cứu giáp phản ứng nổ cho các loại xe quân sự, xe chiến đấu để hạn chế khả năng bị đối phương tiêu diệt, khi bị bắn vào thì không ảnh hưởng đến phương tiện. Nhưng sau tháng 2.2022, khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine thì việc này thất bại.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, vũ khí thông minh hiện nay có loại không còn bắn thẳng. Trong khi đó, trên chiến trường nếu đeo thêm giáp vài tấn cho xe tăng nặng khoảng 30 tấn thì sẽ hạn chế khả năng di chuyển, vượt vật cản rất nhiều. Đạn giờ không còn đi thẳng, nên lắp giáp này vào cũng vô giá trị.
"Trước kia, ta phải nhập khẩu rất nhiều loại kể cả áo giáp cá nhân, nhưng bây giờ ngành công nghiệp quốc phòng của ta đã sản xuất được áo giáp cá nhân nhẹ chỉ bằng 2/3, có loại chỉ bằng một nửa các loại áo giáp mà ta đã nhập khẩu của các nước tiên tiến. Chúng ta tự chủ rất cao", ông Giang cho hay.
Về các phương tiện UAV, có đại biểu Quốc hội nêu có UAV cự ly bay xa hàng nghìn km, được rất nhiều nước dùng. Bộ trưởng Giang cho biết, trong lịch sử từ thời kháng chiến chống Mỹ đã có UAV, máy bay không người lái, khi thực hiện nhiệm vụ phải bay về mới biết kết quả.
Nhưng hiện nay UAV bay đến đâu biết kết quả và điều chỉnh nhiệm vụ đến đó, điều khiển bằng vệ tinh chứ không bằng GPS, cho nên không phát hiện được bằng radar. "Bài toán này không dễ và chúng ta đang nghiên cứu và bước đầu thành công nhất định", ông Giang nói.
Trước đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc chế tạo sản phẩm công nghiệp quốc phòng có tính rủi ro cao nhưng kết quả "nhiều cái không như mong đợi".
Đồng ý quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, nếu sử dụng ngân sách theo quy trình ngân sách nhà nước có trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự quốc phòng cũng như "độ mật" cũng hạn chế rất nhiều. Vì vậy, học tập các nước, trong dự thảo luật đề xuất cần có Quỹ công nghiệp quốc phòng an ninh.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực này có rất nhiều sản phẩm khác nhau. Có sản phẩm vài chục tỉ đồng cho nên không thể nhiều nhà máy, nhiều cơ sở sản xuất được mà chỉ có 1 nhà máy, 1 cơ sở sản xuất "mang tính chuyên dụng rất cao, rất sâu, buộc phải chỉ định cho nhà máy đó sản xuất chứ không thể đấu thầu được".
Bình luận (0)