Bộ trưởng Tài chính: Chuyển nguồn hơn 432.000 tỉ để cải cách tiền lương

07/06/2024 18:51 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính cho biết, có hơn 432.000 tỉ đồng được chuyển nguồn năm 2022 để thực hiện cải cách tiền lương.

Ngày 7.6, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Sử dụng ngân sách còn chưa hiệu quả, lãng phí?

Tham gia thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương còn thấp so với kế hoạch vốn được giao.

Trong đó, quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 bằng 86,7% so với dự toán. Nếu tính cả số chuyển nguồn năm 2021, số bổ sung trong năm và không tính kết dư của năm trước chuyển sang, tỷ lệ còn 73,9%.

Bộ trưởng Tài chính: Chuyển nguồn hơn 432.000 tỉ để cải cách tiền lương- Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Thị Lan

GIA HÂN

Bà Lan cũng đề cập số chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là rất lớn, 426.962 tỉ đồng, tăng nhiều so với năm 2021. Điển hình, số hủy bỏ dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan T.Ư là trên 10.000 tỉ đồng, chuyển nguồn trên 60.000 tỉ đồng.

Tình trạng trên cho thấy việc sử dụng ngân sách nhà nước có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí; nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách.

Nữ đại biểu cho rằng, nguyên nhân của các hạn chế đã nêu là do việc lập dự toán chi ngân sách không sát với thực tế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chuẩn bị dự toán đầu tư, lập kế hoạch vốn, giao vốn chậm.

Cạnh đó, cơ chế, chính sách về tài chính có nhiều vướng mắc, chậm sửa đổi. Công tác tổ chức thực hiện có nơi còn trì trệ; còn tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa quyết tâm thực hiện.

Bà Lan đề nghị phải đưa các tồn tại đã đề cập ở trên vào nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, từ đó có giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Tài chính: Chuyển nguồn hơn 432.000 tỉ để cải cách tiền lương- Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

GIA HÂN

Đầu năm chậm, cuối năm… tăng tốc

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong số ngân sách năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023, có 432.350 tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương, chiếm 37,7%; 313.165 tỉ đồng chi đầu tư phát triển, chiếm 27,3% và 287.374 tỉ đồng chi chuyển nguồn, chi tăng thu tiết kiệm, chiếm 25%...

Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu là do các nguồn lực được chuyển theo quy định của pháp luật; đặc biệt nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương, số này chiếm rất cao.

Một nguyên nhân nữa là do các nhiệm vụ đã ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán, cũng sẽ được chuyển nguồn sang năm sau. Để hạn chế câu chuyện này, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, các bộ, ngành và địa phương phải cố gắng để thanh toán ngay trong năm.

Về việc các khoản chi thấp, chẳng hạn như chi đầu tư, ông Phớc nói, giai đoạn đầu năm bao giờ cũng thấp, phải đến cuối năm mới đẩy mạnh, "gần như địa phương nào cũng thế".

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, "quy luật" trên diễn ra bởi những tháng đầu năm thường sẽ mất thời gian làm công tác chuẩn bị, lập, phê duyệt dự án, lập và phê duyệt thiết kế tổng dự toán, đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức mời thầu, đấu thầu… Sau giai đoạn này, hợp đồng kinh tế mới triển khai.

Về vấn đề dự toán không sát, Bộ trưởng Tài chính lý giải năm 2022 là thời điểm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Những tháng đầu năm tăng trưởng rất thấp, đến quý 3 thì nhảy vọt lên 13,67%, cuối năm còn 8,02%. 

Để có được điều này, theo ông Phớc, do sự nỗ lực rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng trưởng GDP, thu ngân sách bắt đầu tăng lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.